Sự kiện

Hà Tĩnh thêm một ổ dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện

Thêm một ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tiếp tục được tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Trưa 22/5, thông tin từ UBND thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn được xác định dương tính với dịch tả lợn châu Phi tại một hộ dân trên địa bàn.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm DTLCP tại hộ ông Đoàn ở thị trấn Cẩm Xuyên

Trước đó, vào ngày 20/5, một con lợn mạ của hộ ông Nguyễn Trọng Cuông, trú tổ dân phố Hoàng Hoa, thị trấn Thiên Cầm có dấu hiệu bỏ ăn rồi chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã báo với cơ quan chức năng.

Ngay lập tức Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng III xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đàn lợn của ông Cuông (gồm 3 lợn mạ và 7 lợn con) dương tính với DTLCP.

Trước đó, vào chiều 16/5, trường hợp bị nhiễm DTLCP đầu tiên được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh là tại hộ ông Đặng Văn Đoàn (trú tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên). Đàn lợn 55 con của ông Đoàn có triệu chứng sốt, không ăn, lười vận động, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ. Sau khi trình báo, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện dương tính với DTLCP.

Trước tình hình DTLCP, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại tất cả các trang trại chăn nuôi lợn.

Trước tình hình DTLCP, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ để phát hiện nhanh nhất, xử lý kịp thời các ổ DTLCP; tập trung quyết liệt tất cả các biện pháp để phòng, chống và tránh lây lan, phát tán virus DTLCP.

Không giống như cúm lợn, bệnh tả lợn châu Phi không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người mà nguy hiểm khi lợn tả dễ nhiễm virus khác.Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, dịch bệnh này không gây bệnh trên người nên người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.