Văn hoá

Hà Thành kim cổ ký: “Sơn nữ Hồ Gươm”

Khoảng tháng 3/1955, trước khi xuống Hải Phòng di cư vào Nam, cụ Phúc Thái gọi ông Bùi Huy Nhượng nhờ trông nom hộ. Năm 1956, ông Nhượng chuyển hiệu may từ số nhà 40 sang số nhà 38, hiệu may Bùi Huy Nhượng tồn tại ở đây đến năm 1959 thì giao lại cho Bốn Mùa. Cửa hàng này đục tường ngăn thành cửa hàng như hiện nay.

Quán cà phê Bốn Mùa (số nhà 38 và 40 Lê Thái Tổ) trước 1954 là nhà riêng của 2 chủ. Sau khi chính quyền thành phố tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, số nhà 40 thuộc sở hữu Nhà nước, nó được giao cho ngành ăn uống mở hiệu kem Bốn Mùa vào năm 1960. Còn số nhà 38 là nhà  Phúc Thái mua  năm 1953. Cụ Phúc Thái là thân mẫu của thạc sĩ dược đầu tiên Việt Nam - Vũ Như Canh và ông Vũ Văn Mẫu Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời gian ngắn trước ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Khoảng tháng 3/1955, trước khi xuống Hải Phòng di cư vào Nam, cụ Phúc Thái gọi ông Bùi Huy Nhượng nhờ trông nom hộ. Năm 1956, ông Nhượng chuyển hiệu may từ số nhà 40 sang số nhà 38, hiệu may Bùi Huy Nhượng tồn tại ở đây đến năm 1959 thì giao lại cho Bốn Mùa. Cửa hàng này đục tường ngăn thành cửa hàng như hiện nay.

Cửa hàng giải khát Bốn Mùa (thời bao cấp gọi là cửa hàng, không gọi quán) nằm vị trí đẹp nhất quanh khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cửa hàng giải khát quốc doanh khác, bàn ghế ở Bốn Mùa cũ kỹ và xộc xệch, đồ uống bao nhiêu năm quanh đi quẩn lại chỉ có cà phê đen, cà phê đá, nước chanh, sữa nóng, si-rô cùng dăm ba loại bánh và kem. Bánh quả Bốn Mùa có vỏ bột mỳ, nhân đậu xanh, năm nào đậu xanh mất mùa thì làm bằng khoai lang.

Nước chanh được pha trong thùng nhôm to tổ bố, ai mua thì múc ra cốc rồi mậu dịch viên cho cục đá con con bằng hai ngón tay. Chưa ra đến bàn đá đã tan, có xin thêm thì nhận được cái lắc đầu là may, có khi còn bị mắng, tuy nhiên khách hàng nào nịnh khéo thể  nào cũng được cho thêm. Thế nhưng, buổi chiều đi làm về trong làn các chị, các cô ai cũng có cục đá to tướng. Đá thời kỳ đó hiếm như kim cương.

Có nhà thấy con cái thèm đá bèn nghĩ ra làm lạnh bằng cách thả chai nước lọc xuống đáy giếng khơi, buổi chiều đi làm về kéo lên pha nước chanh, nước cũng hơi lành lạnh. Vì nhân viên hưởng lương theo bậc, không theo doanh thu nên bán được nhiều hay ít lương vẫn thế do vậy chẳng ai cần cố gắng. Để hạn chế tình trạng cửa quyền trong ngành thương nghiệp, thực phẩm và ăn uống, cửa hàng nào cũng có sổ góp ý với cây bút chì bên cạnh. Thỉnh thoảng nhân viên lại liếc qua xem có ai phê bình gì không, nếu ai đó bị phê bình là tìm mọi cách để xé trước khi cửa hàng trưởng biết. Lại có người nhờ người thân liên tục nhận xét tốt để được lên lương trước thời hạn.

Đầu thập niên 80, thế kỷ trước, Bốn Mùa không bán kem que chuyển sang bán kem máy. Mậu dịch viên chỉ việc kéo cầu dao là kem đùn ra có ngọn nhọn hoắt. Năm 1983, người ta cho sửa sang lại nội thất, trên tường cho gắn những miếng gốm (nghệ thuật mosaic) hình các cô gái mặc áo dài, đội nón lá. Bàn được thay bằng gốc cây to bào nhẵn mặt. Ghế cũng bằng các gốc cây nhỏ. Vào quán, khách có cảm giác đây là nơi triển lãm các loại thớt, nhiều người gọi Bốn Mùa là quán cà phê  "thớt”. Và  Bốn Mùa là quán cà phê quốc doanh đầu tiên đổi mới hình thức quán sau bao nhiêu năm ghế băng bàn đá. Thế nhưng, cung cách phục vụ vẫn không thay đổi, cà phê vẫn loãng toẹt vì bị ăn bớt, khách hàng vẫn phải xếp hàng và nì nèo xin thêm cục đá.

Dù chất lượng đồ uống rất kém nhưng quán luôn đông khách. Lúc nào cũng ùn ùn nam thanh niên vì quán có một nữ nhân viên xinh  đẹp. Nàng có khuôn mặt trái xoan, da trắng như mỡ, lông mi của nàng dài và cong, mắt sâu đượm buồn. Thân hình nàng thon thả nên thanh niên gọi nàng là  “sơn nữ Hồ Gươm”. Năm 1989, nàng biến mất, cũng từ đó quán vắng vì thanh niên không đến nữa.

N.N.T