Văn hoá

Hà thành kim cổ ký: Những khoảnh khắc lịch sử

Đúng 14h ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ ka ki giản dị bước lên lễ đài, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bản tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

Ngày Việt Nam tuyên bố độc lập đã cận kề, Bác Hồ cho mời  Nguyễn Hữu Đang lúc đó mới 32 tuổi lên giao nhiệm vụ gánh trọng trách lo công tác tổ chức cho ngày Lễ độc lập.

Ông Đang từng là tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1929 khi mới 16 tuổi. Ông cũng tham gia hội Truyền bá chữ Quốc ngữ nên có uy tín trong giới trí thức và quần chúng.

Khi giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang, Bác nói: “Đây là sự kiện quan trọng vì Cách mạng Tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Việc này khó nên mới giao cho chú”. Công việc dựng lễ đài bắt đầu từ ngày 28/8 và phải hoàn tất trong ngày 1/9. Ngay lập tức, ông Đang mời các kiến trúc sư thiết kế lễ đài, đồng thời gọi thợ mộc thi công. Công việc hoàn  thành đúng thời gian dự kiến. 

Phần chụp ảnh cho buổi lễ trọng đại do Vũ Văn Lai, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trẻ tự nguyện nhận nhiệm vụ liên lạc với đồng nghiệp và đã mời bằng được ông Hương Ký, bậc đàn anh trong làng quay phim và nhiếp ảnh Hà Nội. Vào thời điểm đó, Hà Nội có chỉ Hiệu Hương Ký và Hãng Indochina Film là có máy quay phim.

Dù hơn 60 tuổi nhưng Hương Ký nhận lời mà không có bất cứ điều kiện gì. Cử hành quốc thiều hôm đó là ban nhạc Giải phóng quân. Bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm Quốc thiều của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để bản quốc thiều mạnh mẽ, hùng tráng và hoàn hảo hơn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu đã đề nghị Văn Cao rút ngắn trường độ của nốt “rê” đầu chữ “đoàn” và nốt “mi” ở đoạn giữa chữ “xác”. Nhạc sĩ Văn Cao đã đồng ý và sau đó  Đinh Ngọc Liên đã viết tổng phổ.

Người được giao nhiệm vụ kéo cờ trong lễ cử Quốc thiều hôm đó là Dương Thị Thoa, nữ sinh trường Trưng Vương (tên hoạt động cách mạng là Lê Thi, sau này bà là Viện trưởng viện nghiên cứu Gia đình và Giới) là sự tình cờ. Hôm đó Dương Thị Thoa trong đoàn  phụ nữ Cứu quốc Hà Nội tham gia dự lễ. Khi đoàn vừa đến nơi, một người trong ban tổ chức bảo “các cô cử cho một người kéo cờ” và sau đó anh cán bộ dẫn Thoa đến phía lá cờ, ở vị trí ấy đã có một nữ giải phóng quân. Sau tiếng nhạc, lá cờ được hai người phụ nữ từ từ kéo lên trong sự nghiêm trang của rừng người dự lễ.

Đúng 14h ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ ka ki giản dị bước lên lễ đài, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bản tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự  do độc lập ấy”. Tiếp đó toàn thể thành viên trong Chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Bộ trưởng bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ.

Tiếp đến là  Trần Huy Liệu, Bộ trưởng bộ Tuyên truyền báo cáo về việc đoàn đại biểu Chính phủ đi tước ấn kiếm của vua Bảo Đại ở Huế. Đại biểu Tổng bộ Việt Minh là Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Minh và hô hào quần chúng nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh. 

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chi Minh lên lễ đài một lần nữa, người kêu gọi nhân dân kiên quyết hy sinh để giữ vững nền độc lập mới giành được. Lễ mít tinh đã biến thành một cuộc tuần hành rầm rộ trong thành phố.

N.N.T