Văn hoá

Hà thành kim cổ ký: Làng Tự Tháp

Xưa thôn Tự Tháp (nay thuộc phường Hàng Trống) có nghề làm tranh. Trong bài thơ Tứ khúc thời vịnh của tiến sỹ Hoàng Sỹ Khải (đỗ tiến sỹ năm 1544) đoạn tả cảnh tết ở Thăng Long đã nói đến tục dán tranh Hàng Trống trước nhà cùng với bùa yểm trừ ma.

ảnh minh họa

Xưa thôn Tự Tháp (nay thuộc phường Hàng Trống) có nghề làm tranh. Trong bài thơ Tứ khúc thời vịnh của tiến sỹ Hoàng Sỹ Khải (đỗ tiến sỹ năm 1544) đoạn tả cảnh tết ở Thăng Long đã nói đến tục dán tranh Hàng Trống trước nhà cùng với bùa yểm trừ ma.

Chung Quỳ khéo vẽ nên hình

Bùa đào cấm quỷ, phong linh ngăn tà…

Và 

Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yểm

Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương…

Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, bác sĩ Hocrquad đã mô tả cảnh in tranh và bán hàng ở Hàng Trống “từ trẻ con đến người già bò trên phản tô mầu vào khuôn gỗ, còn tranh bán treo trên vách, cột nhà và lơ lửng phất phơ gần nóc”.  Nhưng không ai gọi là tranh Tự Tháp mà gọi là tranh Hàng Trống vì khi mở rộng phố này, người ta thấy đầu phố có vài ba nhà bán trống nên gọi là phố Hàng Trống. Thực ra phố Hàng Trống có nhiều nghề, đoạn đầu làm trống, đoạn giữa nghề thêu, còn dân gốc Tự Tháp làm tranh, cuối phố có nghề khảm trai.

Dân Tự Tháp xưa không làm ra toàn bộ bức tranh, họ đưa ra yêu cầu cần vẽ sau đó đặt nghệ nhân rồi chọn các mẫu ưng nhất thuê thợ khắc. Bí quyết giữ nghề là ở chỗ họ sẽ dùng mầu gì tô vào chi tiết nào trong tranh thì nghệ nhân vẽ mẫu và cả thợ khắc không biết. Tranh Hàng Trống có hai loại: Tranh thờ và tranh trang trí, hai loại này bán quanh năm còn cuối năm mới bầy bán tranh Tết. Tranh thờ Hàng Trống uy nghiêm trang trọng và huyền ảo ví dụ như: Hắc hổ thần tướng, Bạch hổ thần tướng, Ngũ hổ thần tướng,… hay tranh danh nhân lịch sử: Hai Bà Trưng cưỡi voi, Đinh Tiên Hoàng phất cờ lau đánh giặc, Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên,… tranh sự tích có Trê cóc, Tống Trân Cúc Hoa, Kiều…ngoài ra còn tranh các con vật, tranh tứ quý mềm mại ý nhị, tranh Tố nữ tươi mát, duyên dáng. Có tranh khổ lớn như: Lý ngư vọng nguyệt, Chim công múa với mầu sắc hòa hợp, tứ tranh hàm súc…

Thôn Tự Tháp hiện có hai ngôi đình là Đông Hương và Nam Hương, đình Nam Hương thờ Bạch Mã và Linh Lang. Khi công sứ Bonnal cho làm đường quanh hồ thì phố Hàng Trống cũng được chỉnh trang, mở rộng và một phần đình Nam Hương bị lấy đất nên Bonnal cho chuyển đình sang bên số lẻ và khách sạn Apricot hiện nay chính là  một phần đất đình Tự Tháp xưa.                                                                

Mặt đình thôn Tự Tháp lúc chưa bị chuyển về vị trí hiện nay quay về hướng Nam. Chiều ngang bắt đầu từ cuối khách sạn Apricot đến gần cây muỗm bên phía Bờ Hồ. Cây muỗm này nằm bên tay trái gần cổng đình. Để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu chính quyền, năm 1892, Thống sứ Bắc Kỳ Lanessan quyết định xây phòng Thương mại Pháp ở chính vị trí nền đình Tự Tháp. Lý do họ chọn vị trí này vì sau giải tỏa đình nó là đất công lại nằm ngay gần Ngân hàng Đông Dương (báo Nhân Dân hiện nay).

Sau khi phòng Thương mại Pháp chuyển địa điểm về phố Ngô Quyền, khoảng năm 1920, vị trí này là trường cao đẳng Thương mại Đông Dương. Năm 1927, trường có một sinh viên người đậm, hơi thấp nhưng có đôi mắt sáng, quê Nam Định vào học năm thứ nhất, đó là ông Trường Chinh (1907-1988, ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông còn là nhà thơ với bút danh Sóng Hồng). 

Từ khi có trường cao đẳng Thương mại Đông Dương thì phố Hàng Trống không còn là khu phố Tây nữa, một số người Pháp làm ăn thua lỗ đã phải bán nhà. Nguyễn Lan Hương đi lính thợ ở Pháp năm 1914, kết thúc chiến tranh thế  giới thứ nhất ở lại Pháp học nghề ảnh về Hà Nội năm 1921 mua lại nhà 52 Hàng Trống mở hiệu ảnh. Rồi trường cao đẳng Thương mại Đông Dương trước đó thành khách sạn Phú Gia.

 

N.N.T