Văn hoá

Hà Thành Kim cổ ký: Hai sự kiện lịch sử tại sân bay Gia Lâm

Sân bay Gia Lâm hiện nay nằm trên một khu đất cao kẹp giữa đường 5 và đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Bồ Đề quận Long Biên, cách trung tâm Hà Nội 3,5km. Sân bay này được xây dựng vào năm 1935, vừa là sân bay dân dụng nhưng cũng là sân bay quân sự. Khi Pháp tái chiếm miền bắc, Gia Lâm là căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương.

Sân bay Gia Lâm

Từ cuối tháng 1 năm 1953, thực dân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ thì sân bay Gia Lâm trở thành nơi trung chuyển binh lính, vũ khí, nhu yếu phẩm cho tập đoàn cứ điểm này. Vì quan trọng nên lực lượng bảo vệ trong sân bay có khoảng 2000 lính Âu- Phi và người Việt thiểu số, một đội mật thám do một sĩ quan Pháp chỉ huy. Xung quanh sân bay còn có boong ke bố trí sát hàng rào. Bảo vệ bên ngoài là một hệ thống đồn bốt, bảo an và hàng rào dây thép gai dày đặc, có cài mìn.

Để làm giảm sinh lực quân Pháp ở Điện Biên Phủ Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội hạ quyết tâm vượt mọi khó khăn tập kích vào đây, nhằm phá huỷ nhiều máy bay và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, tiêu diệt sinh lực địch, làm gián đoạn cầu hàng không Gia Lâm - Điện Biên Phủ. 1h55 rạng sáng ngày 4/3/1954, cuộc tấn công bắt đầu. Ta nổ súng giết tên lính gác. Các tổ đồng thời dùng thủ pháo, bọc phá, lựu đạn đánh máy bay, đánh kho xăng và các trại lính giặc. Hàng loạt máy bay địch nổ tung, kho xăng bốc cháy sáng cả một góc trời. Khi xe tăng Pháp ra sân bay cứu viện thì bộ đội đã rút khỏi trận địa. Kết quả đã phá huỷ 18 máy bay các loại, 1 kho xăng bị đốt, 16 tên địch bị diệt, phía ta chỉ 2 chiến sĩ bị thương nhẹ. Sau năm 1954, sân bay này trở thành sân bay dân sự, là cửa ngõ từ Việt Nam ra với thế giới và ngược lại.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, Mỹ và Việt Nam đã thực hiện điều khoản trao trả tù binh trong đó có số tù binh là phi công bị bắt trong các cuộc ném bom miền Bắc. Nơi trao trả là sân bay Gia Lâm. Ngày 29/3/1973 là đợt trao trả 67 phi công Mỹ cuối cùng, phần lớn trong số đó là phi công lái máy bay B52 trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội - Hải Phòng cuối tháng 12/1972. 8h30, chiếc máy bay chở tổ công tác của Ủy ban quốc tế và Ban liên hợp quân sự 4 bên từ Sài Gòn bay ra. Tiếp sau đó, 2 chiếc máy bay vận tải của Mỹ từ biển Đông cũng lần lượt hạ cánh. Tới gần trưa, lại thêm một chiếc máy bay Boeing từ Băng Cốc ghé qua Viêng Chăn, đưa 62 nhà báo Mỹ và phương Tây, trong đó có 5 hãng truyền hình quốc tế, tới sân bay Gia Lâm để ghi lại sự kiện nóng bỏng này.

Vào 11h, đoàn xe các nhà báo cùng tổ công tác của Ủy ban quốc tế và ban Liên hiệp quân sự bốn bên, nối đuôi nhau, kéo dài hơn 1km đi qua cầu Long Biên, qua phố Phan Đình Phùng, rẽ sang đường Hùng Vương, đi về gò Đống Đa, rồi tới nơi tạm giam các tù binh Mỹ ở Ngã Tư Sở (nay là công ty Phát hành phim Trung ương).

Buổi lễ trao trả 67 phi công cuối cùng diễn ra tại sân bay Gia Lâm lúc 14h15. 67 tù binh Mỹ xếp hàng dọc và đứng cuối cùng là Thiếu tá Alfred Agnew bị bắn rơi trên bầu trời Hà Tây ngày 28/12/1972. Đúng 15h20, 3 cánh cửa hai bên và phía sau chiếc máy bay C141 của Mỹ mang số hiệu 50238 đỗ tại sân bay Gia Lâm từ từ khép lại, đó cũng là hình ảnh tượng trưng cho sự thất bại của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

N.N.T