Văn hoá

Hà Thành kim cổ ký: Dân số Hà Nội

Trước ngày 10/10/1954, dân số Hà Nội hơn 200.000 người nhưng sau ngày này do hàng nghìn bộ đội, cán bộ, công nhân từ chiến khu trở về, để ổn định cuộc sống gia đình rất nhiều trong số đó đã đưa vợ con và cha mẹ ở quê ra Hà Nội sinh sống khiến thành phố đông đúc, dân số tăng 530.000 người.

Thế kỷ XVIII, khi nhà Nguyễn nhu nhược trước sức ép của nhà Thanh thì người Trung Quốc đã tràn sang mở tiệm buôn ở nhiều con phố Hà Nội. Năm 1870, Hà Nội có 80.000 dân nhưng sau khi Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) và lần thứ 2 (1882) rồi bị quân Cờ Đen, Cờ Vàng cướp phá thành phố đã trở nên vắng ngắt. Năm 1888, khi chính quyền Pháp thành lập thành phố Hà Nội nhượng địa thì dân số là 10.000.

Khi thành phố Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902 thì dân số tăng lên 50.000. Đến năm 1940 là 200.000 người. Trước ngày 10/10/1954, dân số Hà Nội hơn 200.000 người nhưng sau ngày này do hàng nghìn bộ đội, cán bộ, công nhân từ chiến khu trở về, để ổn định cuộc sống gia đình rất nhiều trong số đó đã đưa vợ con và cha mẹ ở quê ra Hà Nội sinh sống khiến thành phố đông đúc, dân số tăng 530.000 người. Nhiều biệt thự của các nhà tư sản đi Nam đã bị xung công rồi chia cho hàng chục hộ dân. Để ngăn chặn và kiểm soát dân di cư ra Hà Nội, Nhà nước đã đưa ra chính sách hộ khẩu. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đã đông đúc rồi.

Thực hiện đổi mới, năm 1989 Nhà nước bỏ hẳn chế độ gạo, thực phẩm và chất đốt giá cung cấp nhưng nhập cư vào Hà Nội cũng không nhiều. Sang đầu những năm 1990, người nhập cư đông hẳn, nguyên nhân là Hà Nội cần lao động, nguyên nhân khác là các vùng quê dư thừa lao động do cải tiến canh tác nông nghiệp và Hà Nội nơi tập trung hầu hết các trường đại học. Theo số liệu điều tra dân số Hà Nội thực hiện ngày 1/4/2009 thì tỷ xuất nhập cư từ năm 2005 đến 2009 luôn là 65,3% trong khi tỷ xuất xuất cư 15,5%. Đó là chưa kể nhập cư kiếm việc khi nông nhàn.

Sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành 1 trong 17 Thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Tính đến năm 2014 dân số Hà Nội là 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú. Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về giao thông, nhà ở, học hành, chữa bệnh, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường… Đó là một thực tế.

Chỉ tính riêng bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 nghìn người đến khám và chữa bệnh. Hay như xã Kim Chung của huyện Đông Anh, nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long, dân số sở tại có khoảng 7000 người, trong khi số công nhân lên tới 26.000 người, tạo áp lực lớn về chỗ ở. Hà Nội đặt mục tiêu dân số 7,3 triệu người vào năm 2015 nhưng con số đó đã bị phá vỡ, cuối năm 2015 đã tăng lên 7,5 triệu người.

Trung bình mỗi năm có khoảng 5 vạn người nhập cư vào Hà Nội. Hiện tại, mật độ dân số trung bình của Hà Nội cao hơn nhiều so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, khoảng 2.100 người/km2. So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN thì con số này rất cao. Bình quân mật độ dân số của các nước chỉ từ 100-200 người/km2. Chẳng hạn như ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar là 88 người/1 km2, Thái Lan là 130 người/km2, Philippin là 124 người/km2…Còn nếu so với mật độ chung của cả nước thì mật độ chung của Thủ đô cao gấp 8 đến 9 lần so với mật độ trung bình.

Để đạt được quy mô dân số theo quy hoạch thì đến năm 2020, khu vực nội đô phải giảm gần 20 vạn người, đến năm 2030 giảm khoảng 32 vạn người. Trong nhiều biện pháp để giảm mức tăng dân số thì sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và công tác quản lý Nhà nước. Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Belarus… áp dụng thành công. N.N.T