Văn hoá

Hà thành kim cổ ký: Chuyện chàng rể phố Cầu Gỗ

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) sống ở gác hai số 13 phố Hàng Buồm còn căn phòng tại 106 phố Cầu Gỗ là phần hương hoả của vợ ông. Nôm na ông là chàng rể phố Cầu Gỗ. Ông bà ở hai nơi, lúc nhà này, lúc nhà kia.

Đầu thế kỷ XX, giữa phố Hàng Đào và Hàng Bè vẫn còn hồ khá rộng gọi là hồ Thái Cực (nhưng dân chúng quen gọi là hồ Hàng Đào). Hồ Thái Cực thông với hồ Hoàn Kiếm bằng một con mương nhỏ. Để đi lại, người dân khu vực này bỏ tiền làm cầu bằng gỗ vì thế khi đặt tên phố chính quyền thành phố đã đặt là Cầu Gỗ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) sống ở gác hai số 13 phố Hàng Buồm còn căn phòng tại 106 phố Cầu Gỗ là phần hương hoả của vợ ông. Nôm na ông là chàng rể phố Cầu Gỗ. Ông bà ở hai nơi, lúc nhà này, lúc nhà kia.

Thuở nhỏ Nguyễn Đình Phúc học trường tiểu học Hàng Vôi, học trung học Thăng Long rồi học cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng bị đuổi. Năm 1943, bức Chú bé thổi sáo của ông đã đoạt giải Nhất tại phòng Triển lãm các họa sĩ Đông Dương tổ chức ở Hà Nội. Với tiền thưởng 500 đồng, ông quyết định đi du lịch xuyên Việt và lúc đang ở Đà Lạt thì nhận được tin bố mất nhưng không còn tiền để kịp về chịu tang cha. Chính từ sự “bất hiếu” này ông đã cảm tác bài Lời ru tử “Chiều nay biết về nơi đâu/Dừng chân ta ngắm bao cảnh sầu/Ai đi trong lớp sương sa/Người về đâu ta tới nơi quê nhà…”.

Cũng như nhiều nhạc sĩ đàn anh hay ngang lứa học nhạc phương Tây qua nhạc ở nhà thờ, nhạc binh, giáo viên người Pháp, khi đang học vẽ, ông theo học nhạc sĩ lưu vong người Nga Sibirev. Vì học phí tính theo giờ và để tiết kiệm tiền ông vào quán bar có các ban nhạc Nga hay Phillippine học lỏm rồi mon men học các đàn anh Nguyễn Xuân Khoát, Trần Đình Khuê, Đỗ Tình, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Văn Duyệt. Khi sáng tác, ông luôn nhớ câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi “Nghe bằng nhĩ (tai) thì chỉ nghe được ngoài da, nghe bằng tâm thì nghe được đến thịt đến máu, và nghe bằng thần  thì nghe được đến xương đến tủy” nhờ đó các bài hát của ông luôn lay động người nghe.

Nguyễn Đình Phúc yêu thơ và ông đã phổ thơ của Nguyễn  Bính thành bài hát Cô lái đò với giai điệu da diết, cảm động, thơ với nhạc quấn nhau khiến bài hát không thể thiếu được trong các phòng trà sang trọng thời Hà Nội bị tạm chiếm. Nhưng đỉnh cao phải là Tiếng đàn bầu mà ông phổ thơ Lữ Giang, rất nhiều ca sĩ hát thành công ca khúc mang âm hưởng dân gian này, phần đầu có chút khắc khoải nhưng phần sau trong sáng. Trong đêm chung kết Cuộc thi tiếng hát truyền hình 1998 do VTV tổ chức với ca khúc này, ca sĩ Trọng Tấn được tất cả thành viên ban giám khảo không còn từ nào hơn ngoài từ “tuyệt vời!” và Trọng Tấn đã giành giải Nhất. Ông là nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc cho điện ảnh cách mạng, từ phim truyện Chung một dòng sông đến phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải, phim hoạt hình Nàng Ngà và nhiều phim khác. Với hội họa, ông vẽ rất nhiều chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Xuân Diệu, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng…nét vẽ đơn giản nhưng lột tả được cái thần của các nghệ sĩ. Năm 80 tuổi, ông và bạn hữu phát hành tập thơ La hát. Trước đó, Nguyễn Đình Phúc được trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội đứng ra tổ chức triển lãm Chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam.

Dù thành danh nhưng ông rất khiêm tốn. Tất cả nhưng ai biết về ông bà đều phải ghen tỵ, đi đâu cũng có nhau, vợ chồng nhưng cũng là bạn tri kỷ. Ra khỏi nhà chỉ đi mua thứ gì đó ở đầu phố song bao giờ quần áo ông bà cũng gọn gàng lịch sự, tóc chải  gọn ghẽ. Có thể là nếp sống thanh lịch cộng với thói quen tiểu tư sản đã ăn vào máu của ông bà. 

 

N.N.T