Sự kiện

Hà Nội: Xót xa hàng sưa quý héo khô trên đường Nguyễn Văn Huyên

Sau 8 tháng di dời, dù đã dùng nhiều phương pháp cứu chữa nhưng hàng cây không có dấu hiệu “hồi sinh”, khô héo như khúc gỗ mục.

Để triển khai dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đơn vị thi công đã dịch chuyển 34 cây sưa đỏ lùi vào trong so với vị trí ban đầu, đồng thời tổ chức cắt cành, tỉa ngọn đảm bảo cây sinh trưởng tốt, hợp mỹ quan sau khi di chuyển.

Ngoài ra, để bảo vệ cây sưa đỏ khỏi trộm cắp, đơn vị dùng nhiều lớp hàng rào sắt xung quanh từ gốc đến thân từng cây một, đồng thời lắp đặt hệ thống camera, cắt cử người trông coi đêm...

Tuy nhiên, sau khi di dời vào trong, nhiều cây sưa đỏ trong 34 cây có dấu hiệu héo úa, trụi lá, dần chết khô. Ngay sau đó, đơn vị thi công bố trí người tưới nước 2 lần/ngày và bơm thuốc kích rễ mỗi tuần 1 lần, 8 cây được truyền dịch vào thân để "cấp cứu"

Sau nhiều tháng di dời, mặc dù dùng nhiều phương pháp cứu chữa nhưng hàng cây không có dấu hiệu "hồi sinh". Sáu cây như chết khô, trụi lá, chỉ còn trơ trọi khúc gỗ bị mục rữa; một số cây đang héo úa, rụng lá dần, khác hẳn các cây khác lá xanh um tùm. 

Các cây này đều có tuổi đời khoảng 20 năm, giá trị lên đến hàng tỷ đồng/cây.

Vở cây đã bong tróc.

"Từ ngày dịch chuyển vào trong, cây bắt đầu héo úa, thời điểm dịch chuyển nắng nóng nên cây nhanh chết hơn. Lúc đầu không có ai chăm sóc, sau đó có chữa thì cũng không kịp. Để trồng một cây to như thế này không hề dễ, hơn nữa nó còn có giá trị rất lớn mà để chết thì thật phí", ông Trần Văn Hùng, một người dân sinh sống gần khu vực trồng sưa cho biết.

Được biết, tại Hà Nội hiện có trên 3.800 cây sưa, trong đó có khoảng 700 cây sưa đỏ trồng rải rác ở nhiều khu vực. Đây là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Gỗ sưa đỏ cực kỳ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Thành Nam