Tiêu điểm

Hà Nội xét học bạ vào 10 với thí sinh F0: "Không còn phù hợp"

Nhiều đại biểu cho rằng việc xét học bạ vào trường công đối với thí sinh là F0 ở Hà Nội không phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát.

Theo thông báo được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi Phòng Giáo dục các quận, huyện về tổ chức tuyển sinh lớp 10 THPT (năm học 2022-2023), thí sinh F0 có giấy xác nhận của cơ sở y tế (nếu được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế) hoặc của địa phương (điều trị tại nhà) sẽ được xét tuyển vào trường THPT công lập không chuyên.

Thông tin này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, thậm chí có ý kiến cho rằng “Làm không khéo sẽ có chuyện “chạy” giấy chứng nhận F0”.

Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Tp.Hà Nội có một quy định riêng về thí sinh là F0 nhưng còn nhiều bất cập.

“Quy định ban hành trước khi tuyển sinh, tôi chưa nói đến chuyện có được tờ chứng nhận mình là F0 cũng không quá phức tạp, điều quan trọng muốn từ không phải là F0 mà trở thành F0 thật cũng rất đơn giản. Bởi, hiện đã có đầy đủ phương tiện điều trị cho F0, những ca bệnh nhiễm Covid không quá nặng như trước, nên tôi đặt luôn vấn đề có thể là F0 chủ động, vì cơ chế lây bệnh rất dễ”, bà Nga nêu những bất cập đối với quy định nói trên.

Theo bà Nga, F0 hiện nay không còn là điều gì đó quá đáng sợ, với người trẻ, không có bệnh nền thì di chứng để lại không nhiều, thậm chí chỉ thoảng qua.

“Năm nay, tỉ lệ cạnh tranh của thí sinh vào các trường công lập và dân lập là rất lớn, số lượng thí sinh nhiều nhưng số lượng trường lớp lại ít, đây là năm rất đột biết. Nên, nếu quy định F0 sẽ được xét học bạ thì có nhiều bất cập, chưa tính đến trường hợp các giấy chứng nhận F0 đó có trung thực hay không? Giả sử giấy đều trung thực cả thì việc để cho mình trở thành F0, để lách luật là vô cùng dễ”, bà Nga phân tích.

Đại biểu Nga cho rằng cần tính phương án F0 vẫn tham gia kỳ thi.

“Tôi sợ rằng chỉ trong một thời gian ngắn số lượng các F0 của Hà Nội là tăng đột biến, lúc bấy giờ không có cơ hội cho các em đi thi mà chỉ xét F0 không cũng đã đủ rồi”, bà Nga bày tỏ sự lo ngại.

Từ những điều này, bà Nga đưa ra gợi ý có thể tính đến phương án các F0 vẫn tham gia kỳ thi, nhưng F0 được ngồi riêng một phòng thi, có hình thức khác nhau để coi thi được thì việc này sẽ công bằng hơn.

Về việc thí sinh không thi mà chỉ xét học bạ, trong khi đó điểm trong học bạ của thí sinh THCS chỉ ở mức trung bình, vậy liệu có xảy ra tình trạng phụ huynh chạy điểm cho con hay không?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, tất cả những gì mà gọi là đặc cách thì cần có sự rà soát kỹ lưỡng. Bởi, kỳ thi được tổ chức là để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh, những trường hợp thực sự đặc biệt thì xét đặc cách.

“Nếu một hai năm trước là câu chuyện khác, nhưng nay mọi hoạt động đều đã trở lại bình thường thì F0 có cần rập khuôn như thời gian trước hay không? Tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục nên rà soát thật kỹ, xét tuyển đối với F0 dù hình thức nào đi chăng nữa trong thời điểm hiện tại không còn phù hợp nữa”, bà Nga nhấn mạnh.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng muốn học ngành gì thì phải đam mê, đủ sức theo học ngành đó (Ảnh: Hoàng Bích).

Cùng trao đổi thêm về vấn đề này dưới góc độ y tế, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cho rằng, việc có gian lận trong giấy tờ hay không thì phải kiểm soát, nhưng đại biểu cho rằng “làm ơn quên chuyện để vô trường này trường kia học nó là một ân huệ”.

Theo bà Phong Lan, hiện cuộc sống đã trở lại “bình thường cũ”, mọi người gặp nhau cũng không còn đeo khẩu trang kín mít nữa.

“Vì thế, theo tôi thi cử phải công bằng, là cơ hội cho tất cả mọi người. Nên quy định thí sinh là F0 được xét học bạ thì nên bỏ đi, nó không còn phù hợp trong tình hình hiện nay”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, kỳ thi tuyển lớp 10 diễn ra ngày 18-19/6 tới. Theo đó, sát ngày thi, thí sinh là F0 có giấy xác nhận của cơ sở y tế (nếu được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế) hoặc thí sinh điều trị tại nhà (Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, phường, thị trấn cấp giấy) sẽ được xét tuyển vào trường công lập hoặc dự thi nếu gia đình có đơn xin tham gia.

Trường hợp thí sinh không dự thi thì cách xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển sẽ bằng điểm tổng kết THCS + điểm Toán + điểm Ngữ Văn + điểm Ngoại ngữ + điểm ưu tiên. Trong đó, điểm THCS (tối đa 20, tối thiểu 10) là tổng điểm rèn luyện và học tập của thí sinh trong mỗi năm THCS. Cụ thể, học sinh có hạnh kiểm tốt và học lực giỏi tối qua quy đổi 5 điểm. Mỗi tiêu chí không đạt mức này, thí sinh bị trừ 0,5 điểm. Điểm THCS thấp nhất là 2,5.

Các trường THPT căn cứ danh sách thí sinh diện F0 dự tuyển và thí sinh dự thi chính thức để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh diện F0

Trường hợp gia đình có đơn đăng ký dự thi, sẽ được bố trí tại phòng thi riêng. Hà Nội thông báo, phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp của thí sinh phải nộp đơn đề nghị xét tuyển và giấy xác nhận F0 do cơ quan có thẩm quyền cấp; hoặc đơn tự nguyện dự thi trước 1 ngày (trước 14 giờ ngày 17/6). Thí sinh chỉ được chọn một hình thức xét tuyển hoặc dự thi.

Trong trường hợp phát hiện thí sinh là F0 sau 14 giờ ngày 17/6 đến trước 8 giờ ngày 19/6 (tức ngày thi), thí sinh vẫn được nộp đơn xin xét tuyển hoặc tự nguyện thi và hoàn thành các giấy tờ còn lại sau.

Năm nay, Hà Nội có khoảng 129.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (tăng 19.000 em so với năm ngoái), trong đó, có 60% em đỗ nguyện vọng ở các trường THPT công lập, 40% em còn lại sẽ lựa chọn các cơ hội khác như trường ngoài công lập, Trung tâm GDTX- GDNN….