Giáo dục

Hà Nội xem xét lên phương án cho trẻ mầm non đến trường an toàn

Sau khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, Hà Nội sẽ tiếp tục đề xuất phương án cụ thể cho trẻ mầm non đến trường.

Đề xuất phương án cho học sinh mầm non đến trường

Từ ngày 8/2, học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 của Hà Nội đã được đi học trực tiếp. Đến ngày 10/2, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn 18 huyện, thị xã của thành phố tiếp tục có diễn biến tích cực nên học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã được triển khai học tập trung trở lại.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội chiều 11/2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Sở đã có văn bản báo cáo thành phố. “Nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ ngày 21/2, học sinh lớp 1 trở lên sẽ đi học ở các quận nội thành. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho trẻ mầm non đi học”.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT còn thông tin thêm, tính đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19 chỉ chiếm 0,4% trên tổng số học sinh của Hà Nội. Các trường hợp này chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng, không phải trong các cơ sở giáo dục.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã cần quan tâm, trang bị máy đo thân nhiệt tự động, kit test nhanh cho phòng y tế các trường,…

Tổ chức dạy học trực tiếp với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh ở mức cao nhất. Ảnh minh họa.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ cần thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu

Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước, đặt an toàn lên hàng đầu.

Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan.

Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

"Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, có hơn 37 quốc gia có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao", Bộ trưởng nói.

Thích ứng an toàn cho học sinh trở lại trường

Các trường đã xây dựng phương án ứng phó với nhiều tình huống phát sinh của dịch Covid-19 và thông tin đầy đủ để phụ huynh nắm rõ, yên tâm cho con đi học. Đợt này, các nhà trường chuẩn bị thêm dụng cụ xét nghiệm nhanh và quan tâm tới danh mục thuốc, vật tư của phòng y tế, phòng cách ly để sẵn sàng xử lý khi có tình huống bất thường, ngăn chặn thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh tại trường, nếu có.

Các quận, huyện, thị xã cần hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ,...).

Khi học sinh trở lại trường cần tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường.

Tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp.

Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường thông tin đầy đủ tới gia đình học sinh về công việc cần chuẩn bị khi đưa học sinh trở lại trường để tạo sự đồng thuận, bảo đảm cho việc tổ chức dạy học trực tiếp hiệu quả.

Bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn theo quy định; có phương án ứng phó, chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn và bảo đảm an toàn cho học sinh.

63/63 tỉnh, thành phố triển khai cho toàn bộ học sinh THPT đến trường học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết. Với khối THCS, có 57 trong số 63 địa phương đã cho phép 100% học sinh đến trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khoảng 17,1 triệu trong số hơn 22,6 triệu học sinh cả nước được học trực tiếp từ ngày 8/2 trở đi, tăng khoảng 1,4 triệu so với trước Tết Nguyên đán. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi các tỉnh, thành có kế hoạch đưa toàn bộ học sinh trở lại trường vào tháng 2.

Trúc Chi (t/h theo Nhà Báo & Công Luận, Báo Tin Tức, Vneconomy)