Sự kiện

Hà Nội: Trời mù mịt nhiều ngày, không khí ô nhiễm ở mức báo động

Mấy ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức đáng báo động. Sáng sớm, đường phố mù mịt, bầu không khí đặc quánh giống hiện tượng sương mù. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng ô nhiễm không khí xấp xỉ ở ngưỡng cấp báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Trong những ngày gần đây, các điểm quan sát chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả ở ngưỡng kém và xấu vào thời điểm đầu giờ sáng. Thậm chí, tình trạng trời mù còn kéo dài tới đầu giờ chiều, có những ngày tới gần 18h tối mới chấm dứt.

Bụi bẩn, ô nhiễm khiến cho tầm nhìn bị hạn chế. Ảnh: Hữu Thắng.

Màn sương mờ khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, mặt khác họ cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi liên tục phải di chuyển ngoài đường. Khu vực quận Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy,... luôn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Người dân khó chịu về mức độ ô nhiễm không khí hiện nay. Ảnh: Hữu Thắng.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện tượng trời mù ở Hà Nội hiện nay cũng khá giống với thời điểm cuối tháng 1/2019 khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô lên đến mức cao, ở ngưỡng xấu và nguy hại tới sức khỏe.

“Từ đầu tuần tới giờ, chúng tôi đo không khí ở chỉ số rất cao ở mức vạch đỏ (151-200 AQI: ở mức xấu). Hiện nay không khí cũng diễn biến phức tạp, chỉ số lúc lên, lúc xuống”, ông Tùng nói.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Tùng cho hay, xe máy và các phương tiện khác cùng với khi thải công nghiệp, sinh hoạt khác đã tạo nên sức ép cho không khí, khiến cho ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao.

Anh Hà Duy Tỉnh (Hà Nội) cho biết: “Mấy hôm nay, Hà Nội trời mù mịt kinh khủng mà còn khó thở nữa. Đi đâu cũng phải bịt khẩu trang, nhưng vẫn sợ, mình còn làm nghề xe ôm, tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng nhiều”.

Anh Lê Cường chia sẻ: “Dạo này cứ sáng sớm đi làm trời cứ mù mịt mà còn khó thở. Dễ ốm. Không khí cứ thất thường như này thì nghề hay đi ngoài đường như chúng tôi khổ lắm”.

Mọi người ra đường nên bịt khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ cho mình. Ảnh: Hữu Thắng.

“Người dân nên theo dõi thông tin thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt rõ tình hình ô nhiễm không khí. Với tình trạng không khí hiện nay, thì mọi người đặc biệt là người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ra đường, hoặc trang bị khẩu trang đạt chuẩn để bảo vệ sức khỏe cho mình”, ông Tùng nhấn mạnh thêm.

Theo cách lý giải của các chuyên gia môi trường, hiện tượng nghịch nhiệt diễn ra khi không khí càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng cao, trái với quy luật thông thường là càng lên cao nhiệt độ không khí càng thấp.

Chính vì thế, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm lên cao gây ra hiện tượng trời mù mịt. Dẫn đến không khí đột ngột diễn biến xấu.

Trao đổi với PV, GS.TS Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Nếu không có việc gì quan trọng thì mọi người hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân ra đường, để giảm mức độ ô nhiễm nhất có thể”.

“Cùng với đó là việc dừng đèn đỏ quá 20 giây thì các phương tiện giao thông nên hạn chế nổ máy, giảm động cơ xuống thấp nhất có thể, đặc biệt là xe máy, để không tạo thêm áp lực nhiệt độ không khí” ông Đăng cho hay.

Các chuyên gia khuyên người tham gia giao thông nên tắt máy khi chờ đèn đỏ. Ảnh: Hữu Thắng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu gây nên hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo sương mù, mưa lất phất sẽ còn lặp lại trong 2-3 ngày tới, nhất là từ 4-8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí chưa thể cải thiện.

Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mức trung bình (51 - 100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài.

Mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. Mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Hữu Thắng - Di Hân