Sự kiện

Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của người dân về vấn đề loa phường

Sau gần 2 năm thí điểm, thiết bị thay thế loa phường bắt đầu xuất hiện những hạn chế khiến chính quyền Hà Nội phải tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân về vấn đề này.

Sở Thông tin Truyền thông vừa bắt đầu khảo sát ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (Hanoi.gov.vn), thời hạn kết thúc là ngày 25/10. Cụ thể, người dân có thể góp ý về việc giảm số lượng loa và cụm loa, ý kiến về nghe, xem, thu nhận thông tin, có nên thay thế loa phường bằng hệ thống thiết bị thông minh.

Zing.vn đăng tải kết quả trên hệ thống khảo sát vào sáng 10/10. Theo đó,  có 115 ý kiến về giảm số loa và cụm loa, với hơn 46% cho rằng như vậy là phù hợp với thực tế. Về ý kiến thay thế loa phường bằng thiết bị thông minh, có 111 bình chọn trong đó quá nửa đồng ý thay thế.

Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của người dân về vấn đề loa phường. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo VnExpress vào cuối tháng 9/2018, tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy với Sở Thông tin, một số đại biểu đề nghị cần sớm đánh giá khách quan việc sắp xếp loa phường vì trên thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề. UBND Hà Nội liên tục nhận được phản ánh từ phía người dân, cho biết thiết bị thay thế được lắp đặt ở góc nhà không bao giờ được sử dụng do không có mấy tác dụng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng thiết bị thay thế không phát huy được hiệu quả mong muốn. Ông chia sẻ: “Thực tế hơn một năm qua, thiết bị thay thế không phát huy tác dụng, có nơi thuê ông bán báo dạo, giao cho chiếc băng cassette rồi nhờ ông đạp xe phát thông tin về phòng chống dịch bệnh".

Trước đó, ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định phê duyệt đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội".

Theo đề án này, các quận, huyện, thị xã  thực hiện sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, trật tự mỹ quan đô thị.

Đối với các phường thuộc các quận duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin và Truyền thông danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp, trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì.

Hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Địa bàn 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) loa phường chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và thành phố.

Thiết bị phát thanh tại nhà không được nhiều người dân Hà Nội đón nhận. (Ảnh: Nguyễn Hưởng)

2 năm trước Sở TT&TT cũng đã tiến hành lấy ý kiến người dân về hệ thống loa phường, sau phát biểu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng hệ thống loa phường đã “hoàn thành sứ mệnh”.

Báo Vietnamnet cho biết, kết quả lần lấy ý kiến đầu tiên cho thấy khoảng 90% số người được hỏi cho rằng nên bỏ loa phường, tỷ lệ ý kiến cho rằng thông tin từ loa phường không có ích cũng lên đến 90%.

Từ đó, chính quyền thành phố đưa ra phương án sắp xếp lại hệ thống loa phường ở các quận nội thành và thực hiện lắp thí điểm thiết bị M-GATEWAY ( có hình dáng tương tự modem wifi) tại từng hộ dân thay thế cho hệ thống loa phường. Thiết bị này tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận thông tin theo hình thức trao đổi 2 chiều.

 Tôn Vỹ (Tổng hợp)