Góc nhìn luật gia

Hà Nội tiếp tục giãn cách: Mọi vi phạm đều phải xử lý nghiêm

Dư luận đồng tình ủng hộ quyết định của TP.Hà Nội về việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Lãnh đạo TP.Hà Nội vừa quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ thêm 15 ngày (đến 6h ngày 23/8) để phòng, chống dịch Covid-19.

Xuất phát từ tình hình thực tế, theo ghi nhận, dư luận đồng tình ủng hộ quyết định trên của TP.Hà Nội và mong muốn mọi người dân trên địa bàn thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng: “Thời gian qua, cả nước căng mình phòng, chống dịch Covid-19 và hiện nay chúng ta đang dồn sức cho TP.Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành phía Nam. Trong khi đó, Hà Nội vẫn xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây nên nếu dừng việc giãn cách xã hội thì những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua rất khó đảm bảo được. Đặc biệt, nguy cơ dịch có thể bùng phát là rất cao, nếu để dịch bùng phát thì khó khăn gấp bội phần. Do đó, Hà Nội kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 là việc nên làm”.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Văn Tuyết, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Hiện nay, tại Hà Nội, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp chợ, siêu thị, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư đông người… Thậm chí nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, chỉ được phát hiện thông qua quá trình sàng lọc những người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng. Việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý các ổ dịch…

Mặc dù thời gian qua, TP.Hà Nội và nhân dân trên địa bàn đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, tôi cho rằng, nếu muốn duy trì và đảm bảo kế hoạch thành công thì cần kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội”.

Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói: “Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này khác nhiều so với các đợt dịch trước đây tại Việt Nam, bởi biến chủng mới Delta có khả năng lây lan nhanh hơn, tính chất nguy hiểm hơn. Đối với Hà Nội, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, khi phát hiện ra một số ca mắc trong cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao thì UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17 để thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 23/7. Đến nay, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, về cơ bản có thể thấy đại đa số người dân Hà Nội đều tuân thủ chấp hành các quy định. Đa số đều thấy việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của thành phố là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo an toàn cho xã hội, quyết không để Thủ đô Hà Nội mất kiểm soát vì dịch bệnh. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, xử lý và cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Vị luật sư phân tích: “Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp đối với nhóm người được phép đi lại, di chuyển, làm việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Bởi vậy, trong thời gian tới, UBND TP.Hà Nội và lực lượng phòng, chống dịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu cần phải kiểm tra, rà soát quy trình thực hiện các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn hiệu quả, giảm bớt các ca lây nhiễm cũng như kiểm soát được các ca mắc ngoài cộng đồng. Trong thời gian 15 ngày tiếp theo, có lẽ sẽ phải tập trung vào lực lượng sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, lực lượng vận tải, cần siết chặt quy định quy trình về phòng, chống dịch bệnh của lực lượng này thì mới kiểm soát được các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối với mỗi người dân, thời gian 15 ngày so với một cuộc đời không phải là nhiều nhưng so với thời gian để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì đó là thời gian vàng. Bởi vậy, dù muốn hay không muốn, dù có bao nhiêu lý do cá nhân chăng nữa thì mọi người vẫn phải chấp hành quy định về phòng, chống dịch. Mọi hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh đều có thể bị áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Cái lớn hơn là chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh của chính quyền địa phương sẽ đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, đảm bảo an toàn cho cộng đồng”.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Trong những lúc như thế này thì an toàn tính mạng là trên hết. Muốn vậy, không có gì khác hơn là tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh mà chính quyền đưa ra trong từng thời điểm. Đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội thì cần thông báo, thông tin kịp thời cho tổ dân phố, chính quyền địa phương để có các giải pháp hỗ trợ. Thành phố Hà Nội quyết tâm không để ai bỏ lại phía sau, không để hộ dân nào bị đói, thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội. Không có chuyện người dân Hà Nội thiếu lương thực, thực phẩm trong những thời điểm như thế này. Bởi vậy mọi người hãy yên tâm để thực hiện đúng, đầy đủ quy định mà UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra”.

“Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, hay theo bất cứ văn bản nào khác của chính quyền địa phương thì đều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và kinh tế của người dân, hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân. Không ai muốn bản thân mình cũng như gia đình, cơ quan, tổ chức bị hạn chế các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì căn cứ vào tình hình dịch bệnh, mọi người đều phải chấp hành yêu cầu chống dịch của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Nếu không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội thì dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).