Giáo dục

Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng học phí: Có tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục?

Đề xuất tăng học phí tại Hà Nội đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về việc, chất lượng giáo dục có thực sự đi liền với tốc độ tăng của học phí?

Ngày 5/7/2018, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội… Theo đó, mức thu ở 2 cấp học này tăng đáng kể so với năm học trước đó.

Chưa đầy 1 năm sau, mới đây Hà Nội lại tiếp tục đề xuất tăng học phí, áp dụng với học sinh mầm non không trong diện phổ cập mầm non và học sinh cấp THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Theo đó, mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội năm học 2019-2020 dự kiến tại thành thị sẽ là 220.000 đồng/học sinh/tháng (mức cũ 155.000 đồng/học sinh/tháng).

Học sinh ở nông thôn (trừ các xã miền núi) có mức học phí mới là 95.000 đồng/tháng (mức cũ là 75.000 đồng/tháng), trong khi học sinh thuộc các xã miền núi có mức học phí mới là 24.000 đồng/tháng (mức cũ là 19.000 đồng/tháng).

Hà Nội đề xuất tăng học phí đối với giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT. (Ảnh minh họa).

Mặc dù đề xuất tăng học phí nằm trong lộ trình đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua, nhiều phụ huynh vẫn không khỏi lo lắng trước thềm năm học mới.

Chị Nguyễn Thị Hằng, một phụ huynh có con học mẫu giáo 5 tuổi tại Hoài Đức chia sẻ: “Năm ngoái Thành phố vừa tăng học phí, năm nay lại tiếp tục đề xuất tăng, tôi thấy như vậy là chưa ổn. Phải chăng mức tăng học phí tăng theo mức lương tối thiểu của phụ huynh? Nhưng trên thực tế có rất nhiều chi tiêu khác cho cuộc sống cũng tăng lên.

Dịp này đúng lúc giá điện tăng, giá xăng tăng, lại nghe thông tin học phí cho con cũng sắp tăng nữa, chúng tôi không khỏi hoang mang. Mặc dù đã nghe về lộ trình tăng học phí từ trước đến năm học 2020-2021, chúng tôi vẫn lo lắng vì mỗi tháng lại phải chi thêm một số tiền. Nhưng con đến tuổi thì vẫn phải đi lớp, chỉ hy vọng chất lượng giáo dục được cải thiện nhiều hơn”.

Một phụ huynh có con đang học lớp 10 tại Hà Nội, chị Cam Kim Oanh cũng cho biết: “Thời điểm mà gần như thứ gì cũng tăng giá, lại nghe học phí cho con cũng chuẩn bị tăng, đương nhiên chẳng có gia đình nào mong muốn. Từ chi phí sinh hoạt hàng ngày, đến chi phí cho con đều “rủ nhau” tăng cùng một lúc khiến cuộc sống của chúng tôi lại thêm một phần chật vật”.

Cũng chung nỗi lo ấy, chị Cao Thị Hoàn, một phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Cầu Giấy chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 9 và sẽ lên lớp 10 trong năm học 2019-2020, học phí lại tiếp tục tăng, lại có thêm một phần gánh nặng trên vai cha mẹ, mà chưa biết chất lượng dạy và học có được nâng lên hay không”.

Trước thông tin Hà Nội đề xuất tăng học phí đối với một số bậc học, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Việc tăng học phí đã theo lộ trình từ trước, tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn chính là, việc tăng học phí có đồng nghĩa với chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng cao, cải thiện hay không?

Phụ huynh đưa con đến trường học mỗi ngày, nếu học phí tăng mà không cải thiện chất lượng giáo dục thì phụ huynh cũng không khỏi băn khoăn”.

Thầy Phương phân tích: “Tăng học phí cũng đồng nghĩa với việc, ngành giáo dục phải mang đến một chất lượng giáo dục cao hơn trước, phục vụ toàn diện hơn. Hiện nay, tại các trường công lập trên địa bàn vẫn còn tình trạng lớp học quá tải, chất lượng giáo dục không đảm bảo, một số trường còn thiếu phòng học, thiếu giáo viên.

Các phòng học chức năng cũng chưa thực sự được đầu tư, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Có những trường, cơ sở vật chất còn đang xuống cấp nhiều năm chưa được tu sửa, nâng cấp, học sinh gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong học tập.

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương.

Vậy, việc tăng học phí có khắc phục được những điều đó hay không? Nếu có thể tạo một môi trường giáo dục tốt hơn cho học sinh thì thực sự, việc tăng học phí cũng sẽ không khiến phụ huynh lo lắng nhiều”.

Theo lộ trình, năm học 2020-2021, mức thu đối với học sinh khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng, với học sinh nông thôn (trừ xã miền núi) là 120.000 đồng/tháng (bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với vùng thành thị, nông thôn) và ở xã miền núi là 30.000 đồng/tháng (bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định).

Đề xuất tăng học phí cho năm học tới cũng theo nguyên tắc đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua.

Bên cạnh đề xuất tăng học phí, sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu việc điều chỉnh mức học phí không ảnh hưởng đến đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.