Tiêu dùng & Dư luận

Quý I/2022, Hà Nội thu nộp ngân sách hơn 538,5 tỷ đồng từ chống gian lận thương mại

Trong quý I/2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389/TP đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý hơn 4.400 vụ. Khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389/TP, quý I/2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường kinh doanh thương mại điện tử và vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Cụ thể, trong quý I/2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389/TP đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý hơn 4.400 vụ. Khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 538,524 tỷ đồng.

Trong số các vụ vi phạm quý I/2022 có 763 vụ hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại 3.543 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 112 vụ.

Ban Chỉ đạo 389/TP nhận định, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tăng cao, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các mặt hàng tập trung chủ yếu là các loại hàng hóa tiêu dùng có nhu cầu cao như quần áo, đồ điện, điện tử, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, pháo nổ, thuốc lá…

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 tăng cao, một số đối tượng chào bán trên mạng internet nhiều loại sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 như bộ kít thử xét nghiệm nhanh Covid-19; kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp phòng chống Covid-19… nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, không được phép lưu hành...

Một số đối tượng khác lợi dụng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý hoặc đầu cơ găm hàng đối với hàng hóa là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch Covid-19.

Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Báo Công thương. 

Ngoài ra, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua đường hàng không và bưu chính quốc tế cũng được các đối tượng buôn lậu che đậy rất tinh vi qua hình thức bưu kiện hàng hoá là quà tặng, quà biếu… được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng, hay lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh.

Mặt khác, chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa có số lượng lớn, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Qua đó nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật tư, y tế, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, các vị thuốc cổ truyền; quảng cáo ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng nội địa… nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam và chính sách ưu đãi của các nước dành cho Việt Nam.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu, phổ biến chính sách pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng đảm bảo phù hợp với thực tế nhằm tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc.

Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hương Anh (tổng hợp)