Sự kiện

Hà Nội thiếu gần 6.900 trụ nước để chữa cháy

Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp tại các khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), trong giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn Tp. Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 21 vụ cháy lớn, 19 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Các vụ cháy trên địa bàn khiến 38 người chết, 82 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng.

Chiếm đến 51% các vụ cháy xảy ra trên địa bàn là tại các nhà dân đơn lẻ với 680 vụ. Các vụ cháy liên quan đến nhà kho, xưởng sản xuất chiếm tỷ lệ 10,88% với 145 vụ.

Về nguyên nhân,  có nhiều tác nhân dẫn đến các vụ cháy, trong đó chủ yếu là do sự cố hệ thống thiết bị điện (696 vụ, chiếm 52,21 % số vụ cháy); do sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa (92 vụ, chiếm 6,9& số vụ cháy); do sự cố máy móc (21 vụ, chiếm 1,58% số vụ). Ngoài ra, còn có 38 vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã, rò khí gas, hàn cắt kim loại…

Từ thực trạng trên, UBND Tp.Hà Nội đánh giá tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp tại các khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh. Các vụ cháy này có quy mô không lớn, gây thiệt hại không nhiều về tài sản nhưng thiệt hại nghiêm trọng về người. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở loại hình kho, xưởng sản xuất.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tiếp nhận 738 tin báo, tham gia cứu hộ cứu nạn 561 vụ và cứu được 513 người, tìm được 157 thi thể. Đối với các vụ việc còn lại do người dân tự tổ chức cứu nạn, cứu hộ, không có sự tham gia của lực lượng này.

Hiện trường vụ cháy tại quán karaoke 4 tầng tại số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022. 

Tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn còn 130.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có 8.546 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. UBND các quận, huyện đã chủ động nắm tình hình các cơ sở này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đáng chú ý, qua rà soát, Hà Nội xác định có 2.921 công trình dù chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đưa vào hoạt động với tổng số 9.466 lỗi.

Các đơn vị chức năng đã xử phạt 399 cơ sở vi phạm, với số tiền 1,2 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 541 cơ sở. Hiện Hà Nội đã giao các quận, huyện yêu cầu tất cả các chủ đầu tư cam kết khắc phục vi phạm.

Qua điều tra cho thấy, trên địa bàn thành phố cần lắp đặt bổ sung 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước. Theo thống kê, Hà Nội hiện quản lý 3.482 trụ nước chữa cháy, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Ngoài ra còn có 722 trụ nước chữa cháy của các khu đô thị, khu công nghiệp…

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ ban hành Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCCC&CNCH của toàn thể công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân trên địa bàn Thành phố; xây dựng và nhân rộng nhiều cách làm hay, mô hình mới về điển hình tiên tiến trong công tác PCCC.

Tập trung rà soát, chỉnh lý, xây dựng phương án chữa cháy, CNCH và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án, chú trọng tình huống chữa cháy, CNCH tại nhà cao tầng, siêu cao tầng, dưới tầng hầm, trung tâm thương mại, kho xưởng sản xuất, nơi tập trung đông người.