Dân sinh

Hà Nội: Tháo dỡ “nghĩa địa du thuyền”

Vốn là những điểm ăn chơi nức tiếng 1 thời, sau nhiều năm các du thuyền trên Hồ Tây đã trở nên hoang phế, bị cắt bỏ làm phế liệu.

 

Từ năm 2016, UBND Tp.Hà Nội ra quyết định dừng hoạt động kinh doanh đối với các nhà thuyền trên hồ Tây, đến đầu năm 2017, khu vực Đầm Bảy trở thành bến neo đậu hàng loạt các nhà thuyền nổi. Từ đó đến nay, các con thuyền rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Ngoài một số nhà thuyền đã được tháo dỡ và di dời thì hiện nay vẫn còn khoảng chục chiếc vẫn neo đậu tại đây và dường như bị bỏ mặc. 

Những chiếc tàu này bị bỏ hoang phế lâu ngày, không được bảo quản trước những ảnh hưởng của thời tiết nên đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Theo ghi nhận ngày 17/11, tại khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân, Tây Hồ), nhiều du thuyền đã bị ngập nước.

Một chủ kinh doanh nhà hàng du thuyền cho biết, việc tháo dỡ là do gia đình tự làm, bởi sau nhiều năm không được kinh doanh, các tàu, thuyền đã mục nát, hoen gỉ.  

“Hiện 2/3 thuyền của chúng tối đã chìm 1 phần nên phải tháo gỡ, cái gì không tận dụng được thì bán sắt vụn. Việc kinh doanh bị tạm ngừng 5 năm, khiến chúng tôi thiệt hại rất nặng nề”, người này cho hay.

Theo quan sát, khoảng 10 công nhân đang gấp rút tiến hành tháo dỡ những chiếc thuyền được cải tạo thành nhà hàng trên mặt hồ.

 

Hộ kinh doanh này chia sẻ, gia đình chị đã kinh doanh trên Hồ Tây từ năm 1997 bằng thuyền gỗ. Khoảng 10 năm trước, gia đình đầu tư nâng cấp và đóng tàu thuyền bằng sắt, thép.

Thời kỳ còn hoạt động, 3 nhà hàng nổi đã tạo công ăn việc làm cho 120 lao động. Hiện giờ, sau 5 năm không được kinh doanh, gia đình mất thu nhập nên rất khó khăn.

Do vật liệu nhà hàng chủ yếu bằng sắt, thép nên việc tháo dỡ gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu bằng cách hàng máy cắt khí kim loại.

 

 

Các chủ cửa hàng mong muốn UBND Tp.Hà Nội sớm, đưa ra giải pháp cho những doanh nhiệp kinh doanh nhà hàng trên Hồ Tây, giúp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định lại được cuộc sống.