Sự kiện

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động các bệnh viện không an toàn phòng, chống dịch Covid-19

Sở Y tế Hà Nội đã có phê bình, nhắc nhở các bệnh viện ở mức thấp trong công tác phòng chống dịch. Những bệnh viện dưới mức an toàn sẽ tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh trong vòng 7 ngày có báo lại Sở sẽ xem xét.

Sáng 22/8, bộ Y tế họp trực tuyến với ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, qua đó các bệnh viện dưới mức an toàn trong công tác đảm bảo phòng chống dịch đã bị phê bình nhắc nhở

Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp bà Trịnh Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra hơn 40 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, có đến 10 bệnh viện ở mức thấp và không an toàn, qua đó sở Y tế yêu cầu: Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (đã phân luồng lại và bố trí giải phân cách); bệnh viện Tâm thần Hà Nội (bố trí phân luồng lại); bệnh viện Đa khoa Vân Đình; bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ; bệnh viện 16A Hà Đông, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thiên Đức, bệnh viện Hà Thành; bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Đã lập chốt kiểm tra thân nhiệt tại cổng bệnh viện); bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh viện Thận Hà Nội (đã phân luồng lại để kiểm soát người bệnh).

Sở Y tế Phê bình trực tiếp bệnh viện Thanh Nhàn bằng văn bản về công tác thực hiện cách ly tại bệnh viện.

Đối với các bệnh viện không an toàn sẽ tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh: bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội (77, phố Nguyễn Du): 07 ngày để khắc phục và thực hiện theo quy định; bệnh viện Mắt Việt Nhật (122, phố Triệu Việt Vương): khi hoạt động trở lại sẽ báo cáo sở Y tế; bệnh viện Mắt HiTec (55, phố Hàm Long): 07 ngày để khắc phục và thực hiện theo quy định.

Một số bệnh viện không đảm bảo tiêu chí phòng dịch sẽ cho tạm dừng hoạt động.

"Các bệnh viện đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, bộ Y tế, Thành phố và sở Y tế để thực hiện, áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp với từng bệnh viện. Tuy nhiên, còn một số tồn tại cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay", bà Hà đánh giá.

Đồng thời, theo sở Y tế kế hoạch của các đơn vị chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo; việc kiểm soát người ra vào bệnh viện chưa triệt để; Chưa bố trí chốt phân luồng ngay tại cổng bệnh viện; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung: Đeo khẩu trang chưa đầy đủ đối với người bệnh và người nhà người bệnh; Chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh.

Đại diện sở Y tế đề nghị, các đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra lại để có các biện pháp xử lý kịp thời và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm và khẩn trương thực hiện công tác phòng chống dịch tại đơn vị.

Cũng qua kiểm tra, hiện nay có 11 bệnh viện đã thực hiện được xét nghiệm SARS-CoV-2 (Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, BV Phổi Hà Nội, Xanh Pôn, Sơn Tây, Ba Vì, Phụ sản Hà Nội, Medlatec, Vinmec, Hồng Ngọc), trong đó có 03 đơn vị được phép khẳng định (BV Đức Giang, BV Medlatec, TT Kiểm soát bệnh tật Thành phố). Năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của 11 bệnh viện: 2.484 mẫu/ngày.

Tổ chức đào tạo lấy mẫu bệnh phẩm cho các bệnh viện để tự lấy mẫu theo quy định và vận chuyển mẫu đến các bệnh viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc.

Phân tuyến chuyển gửi mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn. Không được thu tiền xét nghiệm của người bệnh.

“Chỉ đạo tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ ( ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm...); sàng lọc chỉ định xét nghiệm cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú lưu ý tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận chu kỳ, bệnh nhân cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, hội chứng cúm, viêm phổi nặng, thở máy... để chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2, cách ly kịp thời”, bà Hà nhấn mạnh.

Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát công tác xét nghiệm để mở rộng và nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn Thành phố.

Lê Liên