Sự kiện

Hà Nội sẽ cấm xe xích lô: "Cấm rồi lấy phương tiện gì để thay thế?"

Đó là câu hỏi mà PGS.TS Phạm Ngọc Trung đưa ra trước đề xuất Hà Nội xem xét dừng hoạt động xe ba bánh, xe xích lô kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn thành phố.

Nhiều khách du lịch và người dân đang băn khoăn trước thông tin UBND TP Hà Nội đang giao sở Tư pháp chủ trì, lấy ý kiến cấm các loại xe xích lô, xe ba bánh phục vụ kinh doanh để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì xích lô là hình ảnh đẹp và thu hút khách du lịch của người Hà Nội.

Trước câu chuyện đang gây tranh cãi, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí).

Xưa nay, xích lô được xem là nét đẹp văn hóa du lịch, vậy phải chăng bỏ xích lô là chúng ta đang bỏ một phần nét đẹp để “hút” khách quốc tế?

Xích lô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có lịch sử hàng trăm năm và gắn với người Hà Nội xưa. Đây là một nét văn hóa độc đáo rất riêng ở Việt Nam mà du khách nước ngoài rất thích.

Tôi nhớ, cách đây 10 năm, xích lô chở hàng, chở người đi khắp các tuyến phố đã bị cấm. Nhiều hội thảo cũng đưa ra chỉ nên cho xích lô du lịch hoạt động tại phố cổ để đưa khách du lịch đi tham quan. Giờ lại tiếp tục cấm xích lô du lịch thì cần cân nhắc, suy nghĩ cho thật kỹ, đừng bỏ nét đẹp này của người Hà Nội.

Đi xích lô dạo quanh phố phường xưa nay vẫn được người du lịch lựa chọn.

Hình ảnh xích lô của 10 năm trước với xích lô chở khách du lịch hiện nay có gì khác biệt, thưa ông?

Như tôi vẫn nói, xích lô là hình ảnh thân thuộc đối với người Hà Nội và khách quốc tế. Từ ngày chưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xích lô sử dụng tràn lan và có nhiều hạn chế như: Quá cũ, xấu xí và chở nhiều hàng hóa. Điều này đã làm xích lô trở nên không văn minh, lịch sự. Nhưng giờ xích lô đã được nâng cấp, sửa chữa, hình dáng vô cùng bắt mắt.

Tôi đã đi khảo sát xích lô phố cổ, họ trang trí rất đẹp, có những mái che ở trên, có rèm… hình ảnh đó người nước ngoài rất thích, khi tham quan phố cổ với tốc độ và không gian như vậy, họ cảm nhận được hơi thở phố cổ Hà Nội nhiều hơn.

Tôi đi các nước như Nhật họ vẫn sử dụng ngựa để đưa khách du lịch đi tham quan. Ở Nhật người ta vẫn kéo xe tay, xe lôi. Dù đã có phần mai một nhưng họ đã cho khôi phục và thấy được hình ảnh của người Nhật từ quá khứ đến hiện đại. Hay sang Đức, Pháp, Ý người ta vẫn cho sử dụng ngựa để kéo khách tham quan du lịch đi một vòng xung quanh thành phố.

Đề xuất này được đưa ra với lý do xích lô gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông, quan điểm của PGS về điều này?

Du lịch xích lô đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người hoạt động ở lĩnh vực đó, bây giờ mình cấm xích lô thì thay bằng phương tiện gì để dạo quanh 36 phố phường, để một bộ phận người dân có thu nhập ổn định.

Chúng ta biết đã có ô tô điện thay thế nhưng cái đó quá bình thường và phổ biến, nhưng xích lô là đặc trưng, đặc thù riêng.

Như ở Huế, Hà Nội nhiều gia đình có mấy đời làm và sống bằng nghề xích lô họ sử dụng sức người thì có gì mà phản cảm và ô nhiễm. Nếu như dùng xe máy, xe trâu, xe bò thì còn có sự ô nhiễm vì chất thải của nó. Còn xích lô quá đơn giản, sao lại gây ô nhiễm được?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

Vậy theo ông là không nên cấm xích lô hoạt động?

Việc đan xen giữa truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch là việc đáng làm ngay lập tức. Bởi, xích lô nó cũng là một hình ảnh từ trong truyền thống lịch sử muốn lưu giữ lại để chia sẻ.

Chúng ta nên cấm xích lô để đi bán hàng rong vì nó nhếch nhác, cản trở giao thông. Còn xích lô phố cổ đưa khách du lịch đi tham quan thì không nên cấm, không nên xóa bỏ. Qua khảo sát đánh giá thì người nước ngoài cũng rất thích loại hình du lịch đó.

Chỉ có điều cần lưu ý là những người làm nghề xích lô cũng cần ý thức giữ gìn vệ sinh, đỗ có trật tự, hàng lối ngay ngắn không đỗ lung tung để nét đẹp này trở nên văn minh, lịch sự hơn.

Cảm ơn PGS. về những chia sẻ!

Mai Thu