Góc nhìn luật gia

Hà Nội: Say rượu gây tai nạn rồi bỏ chạy, lái xe có thể bị xử phạt tới 10 năm tù

Gây tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu vực gần cầu Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lái xe không dừng lại mà bỏ chạy có thể bị phạt tới 10 năm tù về tội Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Khoảng 22h15 ngày 24/3, tại khu vực gần cầu Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra một tai nạn nghiêm trọng.

Hiện trường vụ tai nạn.

Một số nhân chứng có mặt tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn cho biết, vào thời điểm trên ô tô BKS 30A-427.27 đang lưu thông bất ngờ lao sang phần đường bên cạnh đâm vào xe máy đi ngược chiều.

Sau cú va chạm, lái xe đã không dừng lại mà bỏ chạy về phía cầu Định Công gần đó. Do lốp trước phía lái bị nổ, xe ô tô mới chịu dừng lại.

Hậu quả, người phụ nữ điều khiển xe máy bị ép vào sát lề đường đã được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời trong tình trạng nguy kịch.

Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàng Mai cùng Công an phường Định Công đã có mặt kịp thời tiến hành điều tra.

Khi đo nồng độ lái xe ô tô, tổ công tác ghi nhận đạt mức 0,36 miligram/khí thở.

Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là một trong những hành vi bị cấm. Mức nồng độ cồn tối đa được quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá quy định mà gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

….”

Như vậy, với trường hợp lái xe say rượu gây tại nạn giao thông gần cầu Định Công vào tối muộn ngày 24/3 đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông đang có hai tình tiết thuộc khoản 2 Điều 260 BLHS, đó là hành vi sử dụng rượi bia và hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Do vậy, hành vi của người này có thể sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Tiệp cho biết: Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình nạn nhân theo quy định Điều 591 Bộ luật dân sự 2015. Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế: chi phí khắc phục hậu quả, mai táng phí, thiệt hại về tinh thần.

Chiếc xe gây tai nạn trong trường hợp này được xác định là vật chứng của vụ án. Chiếu theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về xử lý vật chứng như sau:

“a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”.