Dân sinh

Hà Nội: San lấp “hố tử thần” hơn 100m2

Ngày 18/4, "hố tử thần" tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã được tiến hành san lấp. Việc này được thực hiện theo khuyến cáo của các nhà khoa học.

Để có thể xử lý khu vực "hố tử thần",  đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các chuyên gia của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các phòng, ban chức năng huyện Chương Mỹ... đã kiểm tra, khảo sát, đo đạc để đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục sự cố.

Trong đó, phương án đề xuất khắc phục của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã được áp dụng gồm 6 bước gồm: Dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún; lấp đầy hố bằng những vật liệu phù hợp, dự kiến lớp dưới cùng bằng đá hộc dày 1m, tiếp đến là lớp base dày 1m và trên nữa là cát lèn chặt lấp đầy; 

khoan tạo lỗ để phụt vữa xi măng - bentoniter (hàm lượng 200kg xi măng + 50kg bentoniter), để lấp đầy các lỗ rỗng xung quanh khu vực sụt lún, cứng hóa khu vực sụt lún; trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu, lấp đầy hố sụt lún.

Tiếp đó, hoàn thành rãnh nước và các lớp mặt đường như ban đầu; tiến hành thử tải và quan trắc sau khi xử lý.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Mạnh, Chủ tịch xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) cho biết, các lực lượng chức năng đã bắt đầu quá trình san lấp "hố tử thần" ở thôn 2 xã Quảng Bị. "Hiện công việc san lấp hố sụt vẫn đang được tiếp tục, đầu tiên, lực lượng chức năng đã tiến hành lấp hố, sau đó sẽ bắt đầu quá trình khoan tạo lỗ và phun bê tông vào trong hố sụt, rồi tiếp tục các công đoạn khác để xử lý hoàn thiện khu vực hố sụt này", ông Mạnh nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Bị, vì khu vực "hố tử thần" có diện tích lớn, độ sâu nguy hiểm nên công tác xử lý không thể tiến hành "một sớm một chiều" hay làm ngay được mà cần phải được sự đánh giá và xử lý theo từng bước, với sự tư vấn của các nhà khoa học, một cách cẩn thận.

Như đã đưa tin, vào khoảng 16h45 (ngày 6/4), gia đình ông Đặng Đình Nhâm, ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, đào giếng. Trong lúc đào giếng, ông Nhâm bất ngờ nghe thấy tiếng rung lắc mạnh. Sau đó, trước cửa nhà ông Nhâm xuất hiện một hố sâu khoảng 2m, rộng 15m2 và khu vực này bắt đầu sụt lún xuống độ sâu 5m, hiện tại đã rộng khoảng hơn 100m2.

20 hộ dân sống tại khu vực bị sụt lún được di dời đi nơi khác, đồng thời phong tỏa, canh gác khu vực này để đảm bảo an toàn.