Kinh tế vĩ mô

Hà Nội phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5%

Việc tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5% trong năm 2022 được đánh giá là chỉ tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả thành phố.Mặc dù vậy, chỉ tiêu này đã được tính toán trên cơ sở khoa học.

Đây là thông tin được nêu tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra sáng 1/12. Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2020, bức tranh kinh tế của Thủ đô đã có nhiều điểm sáng. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 7 đến 7,5%, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hà Nội mới. 

Vượt khó, hoàn thành 16/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển năm 2022, năm 2021, thành phố thực hiện khối lượng lớn công việc...

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng.

Thành phố đã hoàn thành 16/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và hiện nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Đáng chú ý, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; hoàn thành vượt 2,7% so với - dự toán thu ngân sách trung ương giao; bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi bảo đảm an sinh xã hội. Ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế; ngành Công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, tăng trưởng được phục hồi.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố vẫn bảo đảm được an ninh chính trị, trật tự xã hội; duy trì được trật tự giao thông, trật tự và cảnh quan đô thị; cung ứng các dịch vụ đô thị và nhu cầu thiết yếu cho người dân... Các chính sách an sinh xã hội cũng được bảo đảm, huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách và hỗ trợ kịp thời người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Đó là việc trong lĩnh vực kinh tế, có 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch. Cụ thể, GRDP chỉ tăng 2,35-3% (kế hoạch là 7,5%; cả nước ước tăng 3-3,5%; thành phố Hồ Chí Minh ước giảm 5%); GRDP/người đạt 129 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng/người/năm); vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,52% (kế hoạch tăng 12%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (kế hoạch tăng 5%).

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bị hoãn hoặc dừng tổ chức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt kế hoạch (đạt 71%, kế hoạch là đạt 71,5%)… Thành phố cũng chưa hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Tình trạng dự án chậm giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại…

Ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục

Giải trình về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong kế hoạch năm 2022, thành phố sẽ ưu tiên dành nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ các di tích lịch sử. Thành phố cũng ưu tiên giao cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án; tiếp tục triển khai đẩy nhanh các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành phố sẽ làm rõ hơn những giải pháp gắn với công tác phòng, chống dịch, bao gồm cả vấn đề biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Làm rõ thêm về chỉ tiêu tăng trưởng từ 7-7,5% trong năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đây là chỉ tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả thành phố. Mặc dù vậy, chỉ tiêu này đã được tính toán trên cơ sở khoa học, nhất là khi Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn cả nước.  

Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tạo bước đột phá về chuyển đổi số, kinh tế số. Thành phố cũng sẽ tập trung cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tập trung phòng, chống dịch bệnh, đầu tư cho y tế cơ sở. Về an sinh xã hội, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ người lao động, sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sẽ phát triển thông tin truyền thông, thương mại điện tử, tái cơ cấu nông nghiệp…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Ông Dũng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo nền tảng quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Hà Nội phấn đấu có khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022

Theo Kế hoạch số 267/KH-UBND ngày 26/11/2021 về thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố (TP) Hà Nội năm 2022, Hà Nội đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực TP năm 2022, trong đó, có 15-20 sản phẩm công nhận lần đầu.

Hà Nội cũng phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của TP. Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực TP tăng 10-12% so với năm 2021, đóng góp 35-40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn TP, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố. 

Để đạt được mục tiêu trên, UBND Tp.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành của TP tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư,… theo hướng thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP để phát triển công nghệ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các quỹ của Trung ương và TP thông qua việc tổ chức hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng…

Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo TP với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển, đóng góp vào phát triển chung của Thủ đô.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ tổ chức hỗ trợ 15-20 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp của TP đến một số nước có nền công nghiệp phát triển nhằm kết nối với các nhà sản xuất công nghệ thiết bị hiện đại để tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Liên kết mời 30-40 nhà sản xuất công nghiệp, thiết bị của các nước có nền công nghiệp phát triển vào Việt Nam để gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội.

Hỗ trợ 5-8 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có các dự án nghiên cứu thử nghiệm, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị trong sản xuất sản phẩm công nghệ, thiết bị mới, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước,…

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tổ chức xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch năm 2020 gồm nguồn ngân sách TP khoảng 17,1 tỷ đồng và phải tùy thuộc vào khả năng cân đối, bố trí kinh phí của TP; đảm bảo đúng chế độ nhà nước quy định. Ngoài ra, còn có nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân có liên quan.

UBND Tp.Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch theo quy định, đảm bảo đạt mục tiêu, kết quả đề ra, không trùng chéo, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương, TP, địa phương có liên quan.

Hương Anh (tổng hợp)