Dân sinh

Hà Nội: Những giấy tờ người ra đường cần mang theo

Ngoài giấy đi đường người dân phải có thêm căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ngày 9/8, Vietnamnet đưa tin, UBND TP Hà Nội ngày 8/8 có chỉ đạo về việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, UBND TP cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Vì vậy, Hà Nội đề nghị người đi đường cần xuất trình giấy đi đường, căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân như quy định cũ, ngoài ra còn có thêm các giấy tờ sau: lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Việc xác nhận giấy đi đường được thực hiện như sau:

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Đối với các khu, cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các chợ: Ban quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các ban quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho ban quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Ngoài giấy đi đường, người dân ra đường Hà Nội phải xuất trình thêm những giấy tờ cần thiết.

Đối với những người mượn giấy tờ tùy thân để được đi lại trong giãn cách xã hội bị xử phạt như thế nào? Theo Zing, luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng để kiểm soát việc người dân ra đường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng.

Theo Nghị định 167/2013, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân hay giấy tờ tùy thân có giá trị tương đương, sẽ bị xử phạt hành chính.

Điểm a và c, Khoản 2 Điều 9 của nghị định nêu rõ người nào sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, thì bị phạt 1-2 triệu đồng.

Khi ra quyết định xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra để áp dụng mức phạt cụ thể.

Ngoài bị xử lý theo điều luật nêu trên, người vi phạm còn bị xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức 1-3 triệu đồng với lý do tự ý rời khỏi khu vực giới hạn giãn cách, ra đường trong trường hợp không cần thiết.

Đáng chú ý, nếu người vi phạm đang thuộc diện cách ly tại nhà nhưng mượn giấy tờ của người khác để ra đường thì có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng về hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020.

Quốc Tiệp (t/h)