Sự kiện

Hà Nội: Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã "hẹn ngày về đích"

Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội vừa cho biết đến tháng 10/2022 nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ đi vào hoạt động ổn định, đốt rác với với công suất 4.000 tấn rác/ngày.

Tại Hội nghị họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022 chiều 1/7 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, trả lời câu hỏi về khắc phục tình trạng ùn ứ rác thải trong nội đô, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết đến tháng 10/2022 nhà máy điện rác sẽ đi vào hoạt động ổn định, đốt rác với với công suất 4.000 tấn rác/ngày.

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi trước thực trạng những ngày qua tình trạng rác ùn ứ trong nội đô rất nhiều gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó Nhà máy điện rác Sóc Sơn được đầu tư xây dựng đã hoàn thành và thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể đi vào vận hành chính thức, người dân Thủ đô vẫn phải sống chung với rác.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, vừa qua tình trạng ùn ứ rác thải trong các quận nội đô 7 ngày do hạ tầng Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) đang quá tải khiến phương tiện đi vào bãi khó khăn, công tác thu gom, vận chuyển bị ảnh hưởng lớn. Cùng với thời tiết mưa lớn khiến đường lên khu tiếp nhận rác không ổn định và phải khắc phục sự cố. Hiện nay việc tiếp nhận rác đã được thông suốt.

Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin tại buổi họp báo.

Đối với Công ty Năng lượng môi trường Thiên Ý, đơn vị vận hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn, qua quá trình khởi công đến nay do điều kiện khách quan nên tiến độ bị ảnh hưởng lớn, Thành phố đã rất quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn; lập đoàn công tác ủa Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đôn đốc tiến độ. Ngày 6/5/2022, lò đốt rác số 3 của Nhà máy đã đi vào vận hành thử. Mặc dù cả 5 lò đã hoàn thiện các hạng mục chính, đủ điều kiện vận hành, tiếp nhận rác từ Hà Nội nhưng đang chờ thủ tục của Bộ Công thương và EVN để hòa vào lưới điện quốc gia.

Nhà máy điện rác sẽ hoạt động trên nguyên tắc đốt 100 % công suất, dự kiến ngày 15/7/2022 sẽ được đấu điện, từ đó có 2 lò tổ hợp số 3 và số 2 chạy với công suất 1.600 tấn rác/ngày. Từ nay đến tháng 10/2022 nhà máy sẽ đi vào hoạt động ổn định, đốt rác với với công suất 4.000 tấn rác/ngày.

Trả lời những ý kiến về Hà Nội chậm trễ trong đấu giá sử dụng đất, từ đó Thành phố sẽ có biện pháp gì, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian qua, Thành phố thực hiện đấu giá 33 dự án với tổng số tiền đấu giá 1.955 tỷ, hiện còn 880 tỷ đồng người đấu giá chưa nộp ngân sách. Trên địa bàn Thành phố còn 143 dự án với tổng diện tích 87,6 ha đã được Thành phố giao đất đang chuẩn bị đấu giá sử dụng đất.

Theo chỉ đạo từ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến vấn đề rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nguy cơ bong bóng bất động sản, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo quy định và hướng dẫn. Trong quá trình triển khai, công tác đấu giá sử dụng đất còn một số khó khăn như: công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện đấu giá còn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân; công tác tư vấn xác định giá còn chậm...

Việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố đối với dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử đất còn vướng mắc theo Luật đầu tư công. Nguyên nhân là do pháp luật về đầu tư hiện nay còn nhiều nội dung khó khăn trong quá trình triển khai. Thị trường bất động sản chưa minh bạch dẫn đến so sánh giá, thẩm định giá còn bất cập...

Để khắc phục tình trạng trên, Thành phố đã ban hành văn bản bổ sung một số điều kiện tăng cường công khai đấu giá tài sản trên địa bàn; tạo điều kiện để hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá qua hình thức trực tuyến; yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục về đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư; đôn đốc các quận huyện nhanh chóng hoàn thành xác định giá đất được ủy quyền; thu tiền ngân sách đấu giá theo đúng thời gian quy định…

Quang cảnh buổi họp báo.

Về nội dung di dời 10 cơ sở công nghiệp xen lẫn trong khu dân cư tại khu vực nội đô theo tờ trình gửi HĐND Thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1), Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết sau khi phối hợp với Sở Quy hoạch và kiến trúc xem xét, căn cứ các quy định phân khu đô thị khu vực nội đô được phê duyệt, các cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời sau khi di dời sẽ ưu tiên bổ sung xây dựng công trình công cộng công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, trường học, cây xanh, vườn hoa theo đúng định hướng... Trường hợp xây dựng nhà ở nếu có sẽ dựa trên tính toán phân bổ dân số, khả năng đáp ứng hạ tầng khu vực; lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy hoạch…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình HĐND Thành phố về 10 cơ sở di dời theo lộ trình, Kế hoạch di dời sẽ tiến hành trong vòng 5 năm kể từ khi UBND Thành phố phê duyệt. Hiện nay do quy hoạch phân khu nội đô ở tỷ lệ 1/2000 nên chưa đủ cơ sở xác định diện tích đất thành phần. Sau khi khi lập đề cương chi tiết, mặt bằng tỷ lệ 1/500 mới có cơ sở để xác định cụ thể.