Sự kiện

Hà Nội: Người dân tất bật cúng chúng sinh rằm tháng 7

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân, cũng là lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, nhiều gia đình thường sắm sửa nhiều đồ vàng mã để đốt cho người đã mất, bày tỏ lòng thành.

Cứ đến gần ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân lại có thói quen cúng rằm, đốt vàng mã (hóa vàng). Đây là ngày lễ Vu Lan, một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đây cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi là ngày cúng chúng sinh.

Dân gian quan niệm đây còn là tháng "phá ngục", trong đó, ngày Rằm tháng 7 là ngày "xá tội vong nhân" cầu siêu cho những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa, việc đốt vàng mã trong ngày "xá tội vong nhân" sẽ xua điều xấu, đón điều tốt về với gia chủ.

Ghi nhận của PV, tại nhiều con phố nội thành Hà Nội, người dân đã bắt đầu thực hiện việc cúng chúng sinh, đốt vàng mã từ nhiều ngày cận Rằm. Tùy vào khoảng thời gian thích hợp mà các gia đình đốt vàng mã, thiêu hóa kim ngân.

Taị phố Nguyễn Siêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thúy tất bật chuẩn bị đồ cúng chúng sinh. Bà Thúy chia sẻ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, gia đình cũng không cúng bái nhiều, chỉ một vài dịp trong năm thì mới làm lễ.

Mâm cỗ cúng chúng sinh được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt thể hiện thái độ tôn trọng, trang nghiêm. Trong mâm thường có cháo loãng, cơm trắng, canh, xôi, chè, khoai lang (hoặc khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, gạo, muối, quần áo cúng chúng sinh...

Tại phố Hàng Chiếu, người dân khu phố chung tay làm cúng rằm, bà Trần Thị Lê (Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Khu vực từ Ô Quan Trưởng qua Hàng Chiếu đến chợ Đồng Xuân trước đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân và dân ta với kẻ thù xâm lược, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, nhằm tri ân những người đã khuất, người dân tại khu phố chúng tôi tại đây từ mấy chục năm nay cứ đến rằm lại cùng nhau làm những mâm cơm đồ lễ bầy tỏ lòng biết ơn vô hạn".

Sau khi cúng xong là lúc người dân hóa vàng, trên các con phố Thủ đô lại "đỏ lửa" đốt vàng mã.

Nhiều người dân tận dụng vỉa hè làm nơi hóa vàng.

Thậm chí, tận dụng cả lòng đường gây mất an toàn giao thông, mất an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Tại phố Hàng Cót (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một số người dân chung tình trạng đốt vàng mã dưới lòng đường.

Khói bụi do đốt vàng mã tại phố Trung Phụng (Đống Đa, Hà Nội). Đối với việc đốt vàng mã, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, đốt trong các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh.