Đời sống

Hà Nội: Nam thanh niên phát hiện ung thư da nhờ nốt ruồi trên lòng bàn tay

6 tháng gần đây, bệnh nhân 24 tuổi phát hiện nốt ruồi trên ngón tay cái lớn nhanh gấp 4 lần, đổi sắc không đều màu, méo mó. Đi khám anh phát hiện bị ung thư da.

Thông tin trên VietNamNet, ngày 30/3, thạc sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, cho biết nốt ruồi của nam bệnh nhân có đường viền khúc khuỷu và lan ra một nửa ngón tay cái, bề mặt gồ ghề.

Sau nhiều chẩn đoán, sinh thiết xét nghiệm, nam thanh niên nhận kết quả ung thư tế bào hắc tố (một loại ung thư da ít gặp).

Theo bác sĩ Quân, mỗi ngày, ông khám khoảng 3-4 ca có tổn thương ác tính, nghi ngờ ung thư da, trong đó, không ít ca có vùng tổn thương tương tự nốt ruồi (như nốt sẩn gồ lên). Bệnh nhân thường là người tiếp xúc ánh sáng nhiều.

"Không ít bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương tấy đỏ, chảy dịch, chảy mủ", bác sĩ Quân nói. Một số khác chủ quan khi phát hiện đốm màu đen nhỏ, tồn tại nhiều năm, không đau, không ngứa, đến khi tổn thương to lên nhanh trong vài tháng, xuất hiện các chấm đen xung quanh, đi khám thì đã ung thư.

Nốt ruồi biến dạng, thay đổi màu sắc trên bàn tay của nam bệnh nhân mắc ung thư tế bào hắc tố. Ảnh: Lê Nga

Nam bác sĩ cho hay nốt ruồi là các nốt sẩn trên da tăng sắc tố, có màu nâu hoặc đen và hình dạng thông thường tròn hoặc oval. Nốt ruồi có thể xuất hiện ngay sau sinh, mỗi người trung bình có 10-40 nốt. Độ tuổi "mọc" nhiều nốt ruồi nhất là 10-30. Đa số các nốt ruồi là lành tính, song có một số có nguy cơ ác tính, hoặc bị “ác tính hóa” do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể (như áo ngực, cạp quần, cổ áo, hoặc trên đầu...).

Đặc biệt, theo bác sĩ Quân, nốt ruồi nằm ở khu vực lòng bàn chân, bàn tay (như nam bệnh nhân trên đây) là nơi bị cọ xát nhiều nhất nên có nguy cơ ung thư cao. Một nghiên cứu cho thấy trong các ca bệnh mắc ung thư tế bào hắc tố ở Việt Nam, gặp nhiều nhất là tổn thương nằm ở lòng bàn tay và bàn chân.

Thông tin trên Vnexpress, bác sĩ cũng cho biết, có 5 dấu hiệu nhận biết nốt ruồi có nguy cơ ác tính, như sau:

Nốt ruồi không đối xứng: Thông thường nốt ruồi có hình tròn và bầu dục, hai bên đối xứng nhau, nhưng với nốt ruồi có nguy cơ ác tính thì hai phía không đối xứng.

Đường viền bất thường: Các nốt ruồi lành tính có đường viền mềm mại, cong tròn nhưng nốt ruồi ác tính lại có viền như hình bản đồ, khúc khuỷu, không đều.

Màu sắc không đồng nhất: Thay vì chỉ có màu nâu hay đen, nốt ruồi có nguy cơ ác tính có chỗ đậm, nhạt, chỗ đen, nâu hoặc mất sắc tố.

Kích thước lớn: Nốt ruồi thông thường có kích thước thường dưới 6 mm (áng chừng như đầu tẩy của cây bút chì). Các nốt ruồi có kích thước trên 6 mm được đánh giá có yếu tố nguy cơ.

Phát triển bất thường: Kích thước một nốt ruồi bình thường tăng chậm, có khi mất 10 năm để tăng một vài mm, cuối cùng không phát triển. Với nốt ruồi có nguy cơ ác tính, thời gian chuyển từ kích thước nhỏ tới lớn rất ngắn, có thể chỉ trong vài tháng.

Tiểu Phi (Tổng Hợp)