Bất động sản

Hà Nội lập hội đồng thẩm định các công trình kiến trúc có giá trị

Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn Hà Nội gồm 17 thành viên, do ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh làm Chủ tịch.

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 3681 về việc thành lập Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hội đồng thẩm định danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị trên địa bàn Thành phố Hà Nội gồm 17 thành viên chính thức, do ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc làm Chủ tịch.

Trường hợp cần thiết, UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét có thể mời một số chuyên gia tham gia thẩm định cho các vấn đề cần làm rõ của từng nhóm hồ sơ công trình.

Hội đồng có nhiệm vụ tham gia ý kiến và thẩm định (lập mới và điều chỉnh) danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 85 của Chính phủ.

Sở Quy hoạch Kiến trúc (cơ quan giúp việc thường trực Hội đồng thẩm định) chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, lập báo cáo và tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP hoặc đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Đơn vị chủ trì tổ chức đề xuất nội dung cần lấy ý kiến Hội đồng thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tổ thư ký Hội đồng thẩm định.

Thời gian thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định; tổ chức thực hiện theo Quy chế; giao Sở Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn việc bố trí kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định theo quy định.

Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn 1943 gửi UBND Tp.Hà Nội về việc tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn Tp.Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 85 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1037.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Xây dựng đã có các văn bản số 78, văn bản số 2696 gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn việc lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc trên địa bàn Tp.Hà Nội.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019, UBND cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Việc trình HĐND cùng cấp (cấp tỉnh) thông qua quy chế trước khi ban hành thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 85 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định quy chế quản lý kiến trúc.