Sự kiện

Hà Nội: Không để lãng phí vắc-xin phòng Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc-xin, lợi ích, hiệu quả của vắc-xin.

Không để vắc-xin phòng Covid-19 không được sử dụng, gây lãng phí

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng ký ban hành Công văn số 2430/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Theo đó, để bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn; đồng thời khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ: Quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân.

Tổ chức phát động, chỉ đạo các đơn vị triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, cụ thể: Rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi bảo đảm hoàn thành trong tháng 8/2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc-xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.

Để đảm sức khỏe an toàn cho người dân cũng như cộng đồng, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó bảo đảm hoàn thành tiêm mũi cơ bản (2 mũi) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc-xin, lợi ích, hiệu quả của vắc-xin. Đặc biệt, cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm Covid-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vắc-xin, người sống ở khu vực có tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp; xây dựng nội dung truyền thông trước, trong và sau chiến dịch tiêm chủng; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.

Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn, không để tình trạng vắc-xin không được sử dụng, kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vắc-xin trên địa bàn…

Người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19.

Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng Covid-19 diễn ra ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Quán triệt quan điểm đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; đặc biệt chú trọng việc tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để vắc-xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Đồng thời khẩn trương rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin năm 2023.

Hiểu đúng về hạn sử dụng của vắc-xin

Một số người cho rằng hạn sử dụng của vắc-xin phòng Covid-19 là thời hạn ấn định cho vắc-xin chỉ được sử dụng trước khi hết hạn 14 ngày, mà trước thời hạn đó vắc-xin vẫn còn nguyên hiệu lực và độ an toàn của vắc-xin phòng Covid-19 (nếu được bảo quản đúng khuyến cáo từ nhà sản xuất).

Đối với các loại vắc-xin phòng Covid-19 “cận date" hạn sử dụng còn 14 ngày sẽ không được phép lưu hành trên thị trường. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Thực tế khuyến cáo của WHO nhằm giúp các địa phương nhận về lượng vắc-xin vừa đủ để đến trước thời điểm hết hạn có thể dùng hết hoặc nếu còn sẽ là rất nhỏ giúp hạn chế hao phí, chứ không phải hạn sử dụng của vắc-xin là 14 ngày trước ngày ghi trên nhãn. Nếu hiểu sai sẽ dẫn đến việc lãng phí rất lớn vắc-xin phòng Covid-19.

Chúng ta cần hiểu thật chính xác về hạn dùng vắc-xin, đó không phải là thời điểm vắc-xin không còn hiệu quả bảo vệ mà phải hiểu là thời điểm cuối cùng mà vắc-xin vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.

Vậy, với hướng dẫn hết sức cập nhật này, người làm công tác tiêm chủng toàn tuyến cần hết sức lưu tâm để tăng tốc độ tiêm chủng cũng như sử dụng đúng, tối ưu, tiết kiệm từng liều vắc-xin nhằm tiêm được nhiều nhất đối tượng tiêm chủng, từ đó góp phần vào công cuộc phòng chống dịch chung của cả nước.

Trúc Chi (t/h)