Môi trường

Hà Nội hoá Sapa từ sáng tới tối

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường sắp tới cùng với ô nhiễm không khí ở ngưỡng tím khiến cho Hà Nội cả ngày "chìm" trong sương mù dày đặc.

Sáng 5/1, trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục khí tượng thủy văn thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin cảnh báo về đợt rét đậm, rét hại đợt 3 từ ngày 7-13/1, bắt đầu ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ sau đó chuyển dần xuống một số nơi thuộc Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo ghi nhận của phóng viên, ảnh hưởng của đợt không khí lạnh sắp tới khiến cho Hà Nội bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc từ sáng tới tối.

Lớp sương mù dày đặc khiến cho tầm nhìn khi tham gia giao thông của các phương tiện trở nên khó khăn hơn.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực cầu Nhật Tân, lớp sương mù dày đặc bao phủ cây cầu. 

Trên cầu Nhật Tân hướng về Thủ đô, hình ảnh các toà nhà cao tầng ẩn hiện trong lớp sương mù dày đặc.

Hồ Tây trong sương mù. 

Tại nhiều nơi ở Hà Nội, ô nhiễm không khí đã chạm đến ngưỡng nâu. Đây là ngưỡng nguy hại, ngưỡng cao nhất về ô nhiễm không khí, cảnh báo khẩn cấp sức khỏe mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh chụp tại khu vực Mỹ Đình.

Các khu vực có chỉ số không khí ở mực kém điển hình như: Long Biên (AQI là 463), Hai Bà Trưng (431), Bắc Từ Liêm (430), Hoàn Kiếm (406), Đống Đa (397) và Cầu Giấy (396)… Ảnh chụp tại khu vực Ngã Tư Sở lúc 14h.

Cổng thông tin Quan trắc môi trường Hà Nội sáng nay cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở ngưỡng tím, gồm: Trần Hưng Đạo (AQI là 256), Hàng Mã (256), Phạm Văn Đồng (243), Trung Hoà (242), Minh Khai (240). Ảnh chụp tại khu vực Minh Khai lúc 13h30.

 Theo xếp hạng trên trang Airvisual, Thủ đô Hà Nội có vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới tính đến 10h sáng nay với AQI là 270, nồng độ bụi mịn là 217,2 µg/m³. Ảnh chụp tại khu vực cầu Vĩnh Tuy.

Hiện tại, chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt vào buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần. Dự kiến những ngày tới nếu thời tiết thay đổi theo hướng thuận lợi, khói bụi đang bị mắc kẹt có cơ hội phát tán bay đi thì tình trạng ô nhiễm mới được cải thiện.