Dân sinh

Hà Nội: Hàng ăn "vùng xanh" bắt đầu được phép bán mang về

Từ ngày 6/9, hàng bán đồ ăn các địa phương thuộc "vùng xanh" tại Hà Nội được phép bán mang về.

UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND TP. Hà Nội.

Theo phân loại,"vùng đỏ" ở Gia Lâm gồm một phần địa giới thôn 3, xã Đông Dư và một phần thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn. Hai khu vực này tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ không cho người ra vào, yêu cầu "ai ở đâu ở đó", "nhà nào ở yên nhà đấy" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch triệt để.

"Vùng cam" gồm khu vực bị phong tỏa; tổ dân phố, khu vực vừa kết thúc phong tỏa trong thời gian 14 ngày; khu đô thị Đặng Xá, khu đô thị Vinhomes Ocean Park và nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Toàn bộ "vùng cam" sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

"Vùng xanh" gồm các xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn, gồm: Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên Thường, Yên Viên, TT Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, TT Trâu Quỳ, Đa Tốn, Lệ Chi, Dương Quang.

Biện pháp áp dụng tại đây thực hiện như vùng cam, tuy nhiên cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động, nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Nghe được thông tin UBND huyện cho phép bán mang về từ chiều 5/9, chị Liễu (Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) cùng người nhà đã tất bật dọn dẹp, chuẩn bị cả đêm để mở lại quán. Do đó, trưa 6/9, những suất cơm đã được chị mở bán lại.

Chị Liễu chia sẻ, chị quê ở Phú Thọ lên thuê mặt bằng bán cơm bình dân gần đại học Nông nghiệp đã bị "mắc kẹt" tại Hà Nội từ 23/7.

"Không về được quê, ở lại Hà Nội chịu chi phí sinh hoạt cao nên hơn 1 tháng quá cuộc sống khá vất vả. Khi nghe được tin cho phép mở cửa lại chúng tôi rất mừng", chị Liễu nói.  

Ghi nhận của PV, ngày đầu tiên tại quán ăn của chị Liễu, nhiều khách hàng đã có mặt mua đồ mang về.

Anh Nguyễn Thanh Hoài (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Từ ngày dịch bệnh phức tạp, cánh lái xe đường dài như chúng tôi cũng rất vất vả, đi lại không có gì để mua, phải tranh thủ úp mì tôm ăn dọc đường. Hôm nay chính quyền cho bán hàng khiến tôi rất vui".

Cách đó không xa, anh Tú (cửa hàng quán ăn thị trấn Trâu Quỳ) nói, hiện trong ngày đầu mở cửa lại khách vắng hơn bình thường một phần do người dân đã quen với việc tự nấu nướng.

Cửa hàng anh Tú treo biển bán mang về.

Tại các quán ăn khu vực này đều được nhân viên chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn.

 

Tại đường Ngô Xuân Quảng (thị trấn Trâu Quỳ), anh Cao Văn Bảy tất bật dọn dẹp hàng quán, thực phẩm để chuẩn bị mở bán hàng theo quyết định "chỉ bán mang về" tại khu vực "vùng xanh" mới được UBND huyện Gia Lâm ban hành.

Anh tâm sự, cửa hàng bán cơm bình dân hiện tại là do anh thuê với chi phí cao. Việc đóng cửa từ 23/7, theo chỉ thị 16 khiến cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Ngay trong sáng 6/9, khi nhận được thông tin, các thành viên trong gia đình đều rất phấn khởi, mỗi người một việc, sẵn sàng mở bán lại trong ngày 7/9.

Dù được mở cửa, nhưng đa số các quán ăn vẫn vắng bóng khách hàng.

Nhiều quán vẫn "cửa đóng then cài" chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại.

Sau ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục chia 3 phân vùng giãn cách xã hội để vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Vùng 1 có nguy cơ rất cao (tập trung ở nội đô) tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng (khu vực ngoại thành) sẽ áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.