Giáo dục

Hà Nội: Giật mình với những tâm sự “Điều con muốn nói” của các học sinh THCS 

Khi nhận lại những lời tâm sự được cất trong các phong bì thư từ các em học sinh, nhiều thầy cô giáo tại trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) không giấu được sự trăn trở…

“Bố mẹ hãy yêu thương con nhiều hơn”

Trong những ngày đầu tháng 10, PV báo điện tử Người Đưa Tin được lắng nghe tâm sự từ một vài vị phụ huynh rằng, sau khi tham dự buổi họp phụ huynh đầu năm học của con, họ đã được lắng nghe những tâm sự, những lời mà các con mong muốn thông qua các lá thư mà thầy cô giáo chuyển. Cá nhân các phụ huynh sau buổi họp đã có thay độ thái độ tích cực, thay đổi cả cách quan tâm của mình với con cái đang ở độ tuổi mới lớn.

Xuất phát từ những lời tâm sự đó, chúng tôi đã lắng nghe thêm chia sẻ của nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm, là người đã có phương pháp biến buổi họp phụ huynh đầu năm là “cầu nối” giúp học sinh và cha mẹ hiểu nhau hơn.

Xem video: Thầy Lê Diên Ninh chia sẻ về "Điều con muốn nói"

Là một người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Phùng Thị Ngà (giáo viên chủ nhiệm lớp 6A4) cho rằng chính từ việc cho các em học sinh viết ra “Điều con muốn nói”, khiến cho phụ huynh và các em học sinh hiểu nhau hơn.

“Khoảng 3 năm gần đây, trường nhân rộng mô hình lắng nghe chia sẻ của các em học sinh với tên gọi “Điều con muốn nói”, cho đến thời điểm này tôi nhận thấy rằng cha mẹ và con cái cần phải có mối liên kết thường xuyên, nhiều khi trong cuộc sống hiện đại bố mẹ bận rộn, không có thời gian giao lưu giữa bố mẹ của con cái, không hiểu được sự biến đổi tâm lý của các con trong giai đoạn chuyển cấp. Khi các con viết xong điều muốn nói, giáo viên chủ nhiệm sẽ đóng kín những phong thư đó và gửi cho các bố mẹ”, cô Ngà cho hay.

Cô Ngà chia sẻ về những buổi họp phụ huynh đầu năm của mình với các phụ huynh.

“Trong buổi họp phụ huynh vừa qua, khi đọc được những dòng tâm sự của con, nhiều phụ huynh bày tỏ sự xúc động trước sự thay đổi tâm lý của con. Có những người nhận thấy mình chưa quan tâm tới con, không hiểu được con. Bởi, phụ huynh quá bận rộn với công việc ngoài xã hội mà chưa hiểu được gốc quan trọng nhất của đời mình là con cái và gia đình”, cô Ngà chia sẻ.

Trong suốt quá trình làm công tác chủ nhiệm, cô Ngà cho biết cô đặc biệt ấn tượng với lời tâm sự của một em học sinh lớp 6: “Em tâm sự rằng nhà có 3 chị em thì em út mới là em trai. Bố mẹ dành hết tình yêu thương cho em trai, nên em bị bố mẹ bỏ quên, lơ là không quan tâm trong chuyện chia sẻ tình cảm.

Em viết “Con không bao giờ được bố mẹ ôm, không bao giờ được bố mẹ nói là bố mẹ thương con, hay không bao giờ được bố mẹ làm cho những món ăn. Bởi, những việc đó bây giờ em của con đã chiếm hết thời gian của bố mẹ. Con mong muốn bố mẹ quan tâm đến con hơn nên con gây sự chú ý bằng cách là làm ngược hết những điều bố mẹ hướng dẫn, để bố mẹ phải giao tiếp lại với mình, để bố mẹ chửi mình để xem bố mẹ quan tâm đến con ra sao. Con ăn trộm tiền để đi mua sách...”.

Khi đọc tâm thư của học sinh, tôi phát hiện ra bất ổn trong tâm lý, tôi đã ngồi tâm sự riêng với em học sinh, và rồi tôi nói chuyện với phụ huynh… Phụ huynh đã thay đổi, nói yêu thương con nhiều hơn, quan tâm, hỏi han con nhiều hơn. Khi được bố mẹ quan tâm, em học sinh đó cũng thay đổi thái độ, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, tình cảm của bố mẹ và con cái cũng được gắn kết hơn. Thời điểm đó, em học sinh này có thành tích học tập tốt nhất lớp. Cuối buổi họp phụ huynh của năm học đó, mẹ của em học sinh này có đứng lên, chia sẻ trước toàn bộ hội phụ huynh về những gì mà cô giáo đã kết nối để bố mẹ hiểu con hơn”.

Cô Mỵ đã ra bài tập để các em học sinh viết ra những điều mong muốn trong năm học, cũng như mong muốn với bố mẹ... và cô nhận được những tâm sự đáng suy ngẫm.

Cô Ngô Thị Thanh Mỵ (giáo viên lớp 7A2) chia sẻ cô cũng làm nhiều cách để hiểu các em học sinh. Sau đó, cô đã đưa ra bài tập để các em viết ra những mong muốn trong năm học. Các em cũng tâm sự nhiều chuyện về chuyện học tập về chuyện gia đình…

Tự nhận mình là “nhân viên bưu điện”, cô Mỵ cho biết: “Có những em học sinh viết chỉ để cô đọc, nhưng có những em lại muốn gửi đến bố mẹ, và chính cô là nhân viên bưu điện chuyển đến tận tay phụ huynh những dòng tâm sự của các em học sinh. Trong đó có những học sinh viết: “Em muốn xin bố mẹ cho em chơi nhiều một chút, vì cả tuần kín lịch học thêm”; “Bố mẹ bắt học văn, toán, cấm con xem ti vi, máy tính, điện thoại, cấm vẽ thì con biết giải trí bằng gì? Bố mẹ không bao giờ tin vào lời con”…”.

Những lá thư của học sinh gửi đến các thầy, các cô và các thầy cô lại là cầu nối chuyển đến phụ huynh, khiến người nhận đều thấy giật mình, thậm chí hối hận vì đã lỡ lãng quên, ít quan tâm đến con cái...

Cô Mỵ cho hay, buổi họp phụ huynh, cô đọc những tâm sự của các con gửi đến bố mẹ, và có những phụ huynh đã khóc nức nở. “Tôi thường nói vui với học sinh và các phụ huynh rằng “hôm nay cô làm nhân viên bưu điện để chuyển phát những lời các con tâm sự đến bố mẹ”. Khi chuyển phát những dòng đó xong, có các em học sinh cũng đã đến nói với tôi “con cảm ơn cô”, “có học sinh đọc thư mà mẹ gửi thì trân trọng, khóc ngon lành””.

Thông qua những buổi họp phụ huynh như vậy, các thầy cô đều mong muốn nhắn gửi đến các phụ huynh là hãy quan tâm đến con nhiều hơn, chia sẻ với con nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thị Xinh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi cho biết thêm: “Phương pháp dạy học và công tác chủ nhiệm của đội ngũ giáo viên nhà trường xuất phát từ tâm đến với học trò. Nên những gì mà các thầy cô đang làm là tâm huyết của các thầy cô đối với học sinh, tìm hiểu tâm lý của các em, từ đó hiểu được các em muốn gì, định hướng cho các em đó là bài học về đạo đức. Các thầy cô hướng đến là giáo dục các con cả về đức và tài. Đây là phương pháp có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn cao cả trong thời đại 4.0”.

Thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A4, chị Lê Thị Ngọc Chung chia sẻ: “Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp, các bậc phụ huynh trong lớp rất tâm đắc với phương pháp tiếp cận giáo dục của nhà trường cũng như của thầy giáo. Đặc biệt, được thầy giáo chia sẻ những “Điều con muốn nói” đã giúp cho phụ huynh hiểu con mình hơn, quan tâm đến những tâm tư, suy nghĩ của con em mình. Từ đó, cùng với nhà trường nuôi và dạy các con, để các con được phát triển song song cả tư duy và nhân cách. Đây cũng là sợi dây gắn kết, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con trẻ. Qua đây, chúng tôi mong muốn phương pháp giáo dục này của nhà trường được nhân rộng và phổ biến tại các trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông cũng như trên địa bàn TP. Hà Nội”.