Sự kiện

Hà Nội giãn cách "vùng đỏ" nới lỏng "vùng xanh", được không?

Theo số liệu thống kê của sở Y tế Hà Nội, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 29/4/2021 tới nay là 3227, trong đó số ca tại cộng động là 1548.

Hà Nội chỉ còn 3 ngày nữa sẽ hết thời hạn giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng lần thứ 3, nhưng số ca dương tính vẫn không ngừng tăng cao, đặc biệt xuất hiện thêm rất nhiều ổ dịch khó lường tại những khu ở mật độ dân cư đông.

Công thức đẩy nhanh tiêm vắc-xin, sàng lọc cộng đồng, thực hiện nghiêm giãn cách trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, số lượng vắc-xin được tiêm là gần 3 triệu liều và chủ yếu phân bổ tại những vùng có nguy cơ. Hoạt động bóc tách F0 diễn ra vẫn chưa trúng vào ổ dịch để có thể phát hiện nhanh được các chùm lây nhiễm mới. Đường phố Hà Nội vẫn còn khá đông đúc mặc cho thành phố đang thực hiện giãn cách.

Hà Nội có thể phải tiếp tục kéo dài giãn cách

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, hiện với số lượng ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng, việc thực hiện giãn cách xã hội có thể sẽ phải tiếp tục sau thời điểm 6/9, có thể sẽ kéo dài ít nhất 1 nửa chu kỳ (7 ngày).

Ông Tuấn cũng phàn nàn rằng hiện nay "người dân, người làm việc tại doanh nghiệp ra đường nhiều quá".

“Từ nay đến ngày 4/9, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá nguy cơ trên kết quả xét nghiệm, sau đó sẽ tham mưu cho thành phố quyết định việc có tiếp tục giãn cách xã hội hay không”, ông Tuấn nói.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên giãn cách “vùng đỏ”, còn các “vùng xanh” trên quận huyện nhiều ngày nay không có ca nhiễm thì có thể nới lỏng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay việc thực hiện giãn cách một nửa là rất khó, bởi giãn cách toàn thành phố người dân còn không chấp hành, nếu chia nửa thì nguy cơ rất lớn. Theo ông Tuấn đây cũng là một ý kiến cần xem xét, nhưng cái chính phụ thuộc vào ý thức người dân.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân nên tuyệt đối tuân thủ giãn cách xã hội, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2/9, không lấy lý do ngày nghỉ lễ để đi lại, gặp gỡ, liên hoan gia đình thì rất nguy hiểm.

Quá trình tách F0 trong cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn

Trao đổi với Người Đưa Tin, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho rằng, hiện nay số ca nhiễm tại Hà Nội vẫn cao, có ngày lên đến hơn 100 ca, việc quyết định có giãn cách tiếp hay không phụ thuộc vào thành phố.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Huy Nga nhận định: “Theo tôi, có thể vẫn tiếp tục giãn cách, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ 2/9 vì số ca bệnh hàng ngày vẫn đang tăng. Chắc phải tiếp tục giãn cách từ 7-15 ngày nữa”.

Ông Huy Nga cũng khuyến cáo người dân ở các khu vực khác không thực hiện giãn cách thì cũng không nên đi lại nhiều.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội hay không cần đánh giá kỹ các nguy cơ để quyết định.

Theo ông Phu, không phải cứ nhìn vào số ca bệnh để quyết định mà phải xét trên nhiều bình diện.

“Hà Nội cần đánh giá các yếu tố như: số ca bệnh, tính chất phức tạp các ổ dịch, sự đáp ứng của thành phố trước tình hình dịch bệnh… để có quyết định hợp lý”, ông Phu cho biết.

Bày tỏ quan điểm trước ý kiến nên nới lỏng giãn cách tại một số điểm, ông Phu cho rằng, nếu nới lỏng giãn cách thì đối với vùng nguy cơ cao vẫn cần phải tiếp tục giãn cách.

“Những quận huyện tình hình dịch đã ổn, có thể cân nhắc nới lỏng cho người dân làm ăn. Ngoài ra, theo tôi sau ngày 6/9 thành phố cũng nên xem xét, nới lỏng một số hoạt động, phải bàn bạc rất kỹ để còn thực hiện “mục tiêu kép”, phát triển kinh tế xã hội”, ông Phu cho hay.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng bày tỏ, Hà Nội nên cân nhắc các giải pháp, nếu giỡ giãn cách làm sao để dịch không bùng lên. Bởi nếu gỡ giãn cách mà dịch bùng lên thì rất nguy hiểm.

Hà Nội có 6 ổ dịch phức tạp

Theo CDC Hà Nội, tính đến ngày 1/9, ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân kể từ ngày 23/8 đã cán mốc 372 ca. Đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, được phát hiện thông qua 2 người sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng.

Ổ dịch phường Văn Miếu (quận Đống Đa) tuy khởi phát từ ngày 30/7, nhưng đến nay vẫn rải rác ghi nhận nhiều ca bệnh. Sáng 1/9, phường Văn Miếu tiếp tục phát hiện 3 ca trong khu phong tỏa, hiện đã có tổng 106 trường hợp.

Ổ dịch phường Văn Chương (quận Đống Đa) từ ngày 17/7 có tổng 89 ca.

Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, lây nhiễm từ 4 lái xe luồng xanh về từ TP.HCM khai báo không trung thực, hiện ghi nhận 44 ca. Trong đó, 42 ca tại phường Giáp Bát, 1 ca tại huyện Thanh Trì và 1 ca tại huyện Thường Tín.

Hai ổ dịch xã Tân Lập, huyện Đan Phượng và chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) đều khởi phát từ ngày 28/8, tính đến sáng 1/9 lần lượt có 12 và 16 ca.

Chùm ca bệnh liên quan cửa hàng tự chọn 218 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.

Hồng Bích - Thanh Lam