Dân sinh

Hà Nội: Gắn chip quản lý chó nuôi bằng phần mềm

Chi cục Thú y Hà Nội đề xuất kế hoạch quản lý chó nuôi bằng phần mềm, theo đó mỗi con vật sẽ được gắn chip định vị, lưu giữ đặc điểm nhận dạng, năm sinh và thông tin tiêm phòng.

Hà Nội lên kế hoạch quản lý chó nuôi bằng phần mềm (ảnh minh họa).

VnExpress dẫn số liệu thống kê từ Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội có nhiều chó nuôi nhất cả nước với 493.000 con. Năm 2018, thành phố có 3 người chết vì bệnh dại, gần 10.000 người phải đi tiêm phòng dại, chủ yếu do chó cắn. Thú y Hà Nội nhận định số lượng người nuôi chó cảnh, nuôi chó kinh doanh tăng lên nhanh chóng là thách thức lớn cho việc quản lý, phòng trừ dịch bệnh.

Nhận thấy vấn đề mang tính cấp thiết, Chi cục tiến hành kết hợp với hai tổ chức về bảo vệ chó của nước ngoài xây dựng đề án quản lý cho nuôi bằng phần mềm, dự kiến trình UBND TP Hà Nội vào giữa năm 2019.

Cụ thể, mỗi con chó sẽ được gắn chip định vị vào tai, vòng cổ. Từ đó lưu trữ và cập nhật các thông tin về đặc điểm nhận dạng, năm sinh, mũi tiêm phòng của chó bằng phần mềm. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi loài động vật, tương tự như gắn biển số cho các phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, đề án sẽ góp phần làm giảm tình trạng trộm chó  giảm tình trạng trộm chó, gây mất an ninh trật tự. Dự kiến kinh phí xây dựng phần mềm từ nguồn xã hội hóa, khuyến khích chủ nuôi gắn chip cho chó của mình.

Chó thả rông trong công viên Tuổi trẻ (ảnh: Tất Định)

Theo Kinh tế Đô thị, Thanh Xuân sẽ là quận đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình quản lý chó nuôi bằng phần mềm.

Ngày 19/12 UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại” trên địa bàn quận.

Theo báo cáo của UBND quận, phường Khương Đình là đơn vị đầu tiên được UBND quận giao triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại”. Sau 3 tháng thực hiện, đội chuyên trách bắt chó thả rông đã bắt giữ được 12 con chó, trong đó xử phạt 9 trường hợp với mức 700.000 đồng/con. 3 trường hợp là chó vô chủ, phường đã gửi về Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ động vật nuôi. Tình trạng chó thả rông tại phường Khương Đình hiện đã giảm 70 - 80% so với giai đoạn chưa tổ chức bắt chó. Thậm chí, các buổi tổ chức bắt chó thả rông gần đây ghi nhận không có trường hợp vi phạm.

Đội bắt chó thả rông phường Khương Đình thực hiện nhiệm vụ, xử lý các trường hợp chó thả rông trên địa bàn (ảnh: Phương Nguyên).

Bá Di (Tổng hợp)