Xã hội

Hà Nội: Phường có được phép thu 15 nghìn/kg rác thải y tế với F0 điều trị tại nhà?

Hiện nay tỉ lệ F0 đang điều trị tại nhà ở Hà Nội tăng cao. Theo đó, việc xử lý rác thải y tế để tránh lây nhiễm đảm bảo không phát tán mầm bệnh cần được chú trọng.

Còn lơ là trong hướng dẫn, thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà

N.T.T. phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội - một F0 đang điều trị tại nhà chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, gia đình không được hướng dẫn phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0.

"Y tế phường đã xuống lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn điều trị nhưng không nhắc đến việc xử lý rác thải của gia đình như thế nào. Tôi vẫn để chung các loại rác thải, khăn giấy, khẩu trang và thực phẩm với nhau và đăng ký giờ đổ rác với ban quản lý tòa nhà. 12h trưa, tôi để tất cả rác dùng trong ngày ở trước cửa, sau đó ban quản lý sẽ cho người lên đưa rác xuống", chị T. nói.

Rác thải từ F0 điều trị tại nhà cần được xử lý đúng quy định. Ảnh minh họa.

Cũng đang là F0 điều trị tại nhà, anh Nguyễn Việt Phong quận Hồ Tây, Hà Nội cho biết 3 người trong gia đình đều nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà. Anh được y tế phường hướng dẫn chăm sóc, tuy nhiên về rác thải của gia đình cũng không có hướng dẫn cụ thể.

"Gia đình mình cũng không dùng đến khẩu trang, khăn giấy… rác thải chủ yếu là thực phẩm dư thừa hằng ngày nên mình chỉ để vào túi buộc kín và đưa ra cửa. Người ở tổ dân phố đến hỗ trợ lấy rác đưa ra khu tập kết rác của khu vực", anh Phong chia sẻ.

Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà", ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết, do các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, nên công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ. Ngoài ra, còn khó khăn về cả lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, thiết bị bảo hộ cho nhân viên thu gom rác.

Có được phép thu phí 15 nghìn/kg rác thải F0 điều trị tại nhà?

Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, khám và điều trị tại nhà đối với F0 trên địa bàn thành phố do UBND Tp.Hà Nội ban hành không có chi tiết nào nói về việc sẽ thu phí xử lý rác thải nguy hại với người dân. Tuy nhiên mới đây, tại phường Gia Thụy quận Long Biên, nhiều trường hợp F0 nhận được thông báo phải đóng tiền rác thải y tế là 15 nghìn đồng/kg.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 16/2, ông Đinh Tiến Cương - Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ với Dân Trí, hồi tháng 12/2021, chính quyền sở tại đã phát đi thông báo về việc triển khai công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại đối với F0 cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn.

Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình có F0 ở phường Gia Thụy cần tự phân loại rác thải sinh hoạt bình thường với rác thải nguy hại để bảo quản, xử lý, khử khuẩn trước khi cơ quan chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển.

Người dân chịu trách nhiệm về phân loại rác. Nếu không phân loại và đựng túi riêng thì cơ quan chức năng sẽ xác định toàn bộ rác thải ở các hộ gia đình có F0 là rác thải y tế nguy hại.

Địa phương đã yêu cầu các hộ dân có F0 đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà phải thanh toán chi phí phục vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Cụ thể, người dân đóng phí 15 nghìn đồng/kg rác thải y tế sẽ gồm chi phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ thu gom rác là 297.000 đồng/phòng cách ly hoặc một nhà, gồm 242.000 đồng đối với 2 thùng chứa rác bằng nhựa HDPE 15 lít màu vàng và 55.000 đồng mỗi kg túi nilon đựng rác thải.

Người dân thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngay sau khi nhận được thùng rác và túi nilon đựng rác thải.

Được biết, địa phương này đã áp dụng từ ngày 17/12/2021; tần suất thực hiện là 2 ngày/lần. Trong đó, đơn vị quản lý, thu gom rác thải là Trung tâm phát triển quỹ đất quận Long Biên. Riêng đơn vị trực tiếp thu gom là Công ty cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm.

Khi PV hỏi căn cứ pháp lý nào để UBND phường Gia Thụy ra thông báo nêu trên thì ông Cương đưa ra căn cứ không có tính thuyết phục.

Hướng dẫn phân loại, thu gom chất thải của F0 điều trị tại nhà

Tại nhà/phòng có trường hợp mắc Covid-19 (F0), tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân Covid-19 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi màu vàng thứ 2, buộc kín miệng. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2".

Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có người là F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Việc vận chuyển chất thải từ các điểm lưu giữ tạm thời đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại do địa phương bố trí, thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ ra ngoài.

Chất thải lây nhiễm này khi thu gom sẽ được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy hoặc phương pháp hấp... đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (ưu tiên lựa chọn phương pháp thiêu hủy để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm, hạn chế diện tích phải chôn lấp).

Trúc Chi (t/h theo Dân Trí, QĐND, Tuổi Trẻ)