Sự kiện

Hà Nội đổi giờ cao điểm, các tài xế cần lưu ý để tránh bị phạt

Theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND, thời gian “giờ cao điểm” của Hà Nội sẽ được thay đổi.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND TP.Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020.

UBND TP.Hà Nội nêu rõ, phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ được giới hạn từ phía bên trong đường bao trở vào trung tâm thành phố của các đường: Phạm Văn Đồng- Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ- Lê Quang Đạo- Đại lộ Thăng Long- đường 70-đường 72-đường Lê Trọng Tấn- Văn Khê- Phúc La- Cầu Bươu- Phan Trọng Tuệ- Ngọc Hồi-vành đai 3-Nguyễn Văn Linh-cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên- đường Lý Sơn- cầu Đông Trù- Trường Sa- Hoàng Sa- Võ Văn Kiệt- cầu Thăng Long trở vào trung tâm thành phố.

Cùng đó, Điều 5 Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND được sửa đổi như sau: các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 1,5 tấn (không bao gồm xe bán tải - “xe pickup”, xe VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg) chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.

Theo đó, giờ cao điểm là khoảng thời gian được quy định như sau: sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 16h đến 19h30 hàng ngày.

Trong khi đó, theo quy định cũ (Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội), giờ cao điểm được quy định là khoảng thời gian sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h30 đến 19h30 hằng ngày.

Ngoài ra, Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND cũng quy định, các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 1,5 tấn trở lên, xe quá tải, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ chỉ được hoạt động từ 21h đến 6h sáng ngày hôm sau trên các tuyến đường.

Đoạn đường các phương tiện giao thông đường bộ được hoạt động trong khu vực hạn chế:

Đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên đến Nguyễn Sơn), Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Cừ đến ngã tư Ngọc Lâm - Ngô Gia Khảm), Ngô Gia Khảm, đường Bắc Thăng Long - Vực Dê, đường Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ đường Cổ Linh đến đường Nguyễn Văn Linh), Tam Trinh (đoạn từ chợ đầu mối Đền Lừ đến đường Vành đai 3), Đường Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao Đường 70).

Đường Vành đai 3 trên cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép hoạt động, trừ xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Các loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người đi bộ không được phép hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao.

Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (đoạn tiếp đất từ đường Vành đai 3 trên cao đi Đại Lộ Thăng Long và ngược lại) các phương tiện được phép hoạt động.

Đi vào đường cấm theo giờ phạt bao nhiêu tiền?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. So với Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực trước đó, lỗi đi vào đường cấm cũng bị tăng mức phạt lên không ít.

Đối với trường hợp ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Ngoài mức phạt tiền nêu trên, ô tô, xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng đi vào đường cấm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe/chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với xe ô tô đi vào đường cấm theo giờ cũng xử phạt như lỗi đi vào đường cấm, khu vực cấm.

Hoàng Mai