Văn hoá

Hà Nội: Độc đáo lễ hội rước 17 “ông lợn” hoành tráng ở làng La Phù

Hôm nay (17/2) tức ngày 13 tháng Giêng, người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ rước "ông lợn" để tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ sáu.

Theo tục lệ, người được chọn nuôi lợn phải có ông bà, bố mẹ song toàn (còn sống khỏe mạnh), gia đình có đủ con trai và con gái, làm ăn phải nề nếp, lối sống văn minh, không tệ nạn. Gia đình không cần phải giàu có, nhưng cũng không quá nghèo túng. Đối với những gia đình được chọn nuôi, nhưng trong năm đó bất ngờ xảy ra tang tóc thì “ông lợn” sẽ được chuyển sang gia đình khác có đủ những tiêu chuẩn trên để tiếp tục nuôi.

Năm nay, từ 11 xóm của làng La Phù đã chọn ra được 17 "ông lợn" đạt tiêu chuẩn tham dự lễ rước vào đình làng để tế thần.

Những con hẻm trong La Phù đã rộn ràng tiếng cồng chiêng, tiếng trống đến từ các đoàn múa lân, xiếc trong xã.

Đi đầu từng xóm là 2 lá cờ đại rồi đội chiêng trống, phường bát âm. Theo sau là bàn độc với đủ đồ thờ như cây đèn ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút.

Gần đến giờ làm lễ tế trong đình, dòng người đổ về khu vực này ngày càng đông đúc.

Bắt đầu khai hội với màn múa trống đẹp mắt của các thôn nữ làng La Phù.

Đối với nhiều thanh niên rước kiệu, được tham gia vào đội hình lễ đem lại nhiều may mắn, sung túc trong cả năm.

Trước khi làm lễ rước, lợn được đem đi thịt rồi trang trí lên một lớp phủ bằng mỡ của chính con lợn đó. 

Mỗi "ông lợn" tham gia buổi rước đều được rước trên một kiệu lớn với các thành viên trong dòng họ, gia đình của gia chủ đảm nhận.

Kiệu rước lợn của thôn Quyết Tiến tiến vào đình.

Do lợn nặng 200kg đến 300kg nên việc di chuyển khá khó khăn. Lễ được chuyển vào trong đình trước sự chứng kiến của trưởng lão và đông đảo người dân.

Khi vào đến cung cấm, không ai được vào bên trong. 0h ngày 14 tháng Giêng bắt đầu nghi thức tế lễ và đến 6h sáng tiến hành nghi thức xẻ lộc cho tất cả các hộ trong làng.

Hữu Thắng