Sự kiện

Hà Nội chuyển sang cấp độ chống dịch mới, đổi từ "xanh" sang "vàng"

Theo thông báo mới nhất, Hà Nội đã đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch Covid-19, chuyển sang cấp độ 2 sau khi ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng.

UBND Tp.Hà Nội vừa có thông báo số 724 về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 29/10, Sở Y tế Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP về việc thông báo cấp độ dịch trên địa bàn theo tiêu chí một (về tỉ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian) và tiêu chí 2 (về độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19).Xét đề nghị của Sở Y tế, UBND Tp.Hà Nội khẳng định dịch trên địa bàn thành phố đang ở cấp độ 2 (màu vàng).

Trong đó, 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội có dịch ở cấp độ 2; ở đơn vị hành chính cấp xã, phường có 332 đơn vị ở cấp độ 1, 245 đơn vị ở cấp độ 2 và 2 đơn vị ở cấp độ 3 (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh).

Về độ bao phủ vắc-xin tại Hà Nội, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19 là 98% (đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 70%); tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin là 48,5% (chưa đạt tỉ lệ tối thiểu là 80%).

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến tối 31/10) là 4.402 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.691 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.711 ca.

Hà Nội chuyển sang cấp độ 2 sau khi ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng (Ảnh: Hữu Thắng).

Ngày 22/10, Bộ Y tế đã công bố cấp độ dịch của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 26 địa phương (bao gồm cả Hà Nội) thuộc cấp độ 1 (tức màu xanh), không có địa phương thuộc cấp độ 3 và 4.

Trong văn bản 18288, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp cùng trung tâm y tế  quận, huyện, thị xã xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động.

Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai.

CDC Hà Nội cần tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi theo lộ trình, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TP, đặc biệt cơ chế phối hợp liên ngành giữa y tế, giáo dục, LĐTB&XH; tổ chức triển khai thực hiện khi kế hoạch được phê duyệt, theo tiến độ phân bổ vắc-xin.

Tham mưu xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống giám sát (giám sát thường quy, giám sát trọng điểm, giám sát sàng lọc…); năng lực điều tra, xử lý dịch; năng lực xét nghiệm.

Với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ người đến/về địa phương, đặc biệt là vùng tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp. Đơn vị tăng cường hệ thống giám sát, điều tra xử lý dịch. Củng cố năng lực của hệ thống y tế cơ sở; phòng chống dịch dựa vào cộng đồng, cụ thể, củng cố hệ thống ôxy y tế tại các trạm y tế.

Các đơn vị sẵn sàng triển khai các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng, tổ xét nghiệm tự nguyện cộng đồng; nâng cao vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt tiêm đủ liều cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo tiến độ phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế.