Sự kiện

Hà Nội chưa đồng ý lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí xe ô tô vào nội đô vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện.

Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa có ý kiến trả lời về đề án thu phí phương tiện vào nội đô của Sở GTVT Hà Nội.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, việc xem xét, phê duyệt đề án vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.

Do đó, UBND Thành phố giao Sở GTVT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động của đề án đến xã hội, người dân, bảo đảm chặt chẽ các điều kiện về pháp lý theo quy định của pháp luật và thời điểm phù hợp; thận trọng đề xuất các phương án, giải pháp.

Đồng thời, Sở nghiên cứu, làm rõ các nội dung về thời điểm áp dụng thu phí để bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.

Sở GTVT Hà Nội cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị - xã hội, sở, ngành.

Đề xuất của Sở GTVT Hà Nội trước đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận và vấp phải ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. (Ảnh: Hữu Thắng)

Trước đó, ngày 27/10, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND Tp. Hà Nội về “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô). Theo kiến nghị của Sở GTVT, nếu HĐND Thành phố ban hành nghị quyết về thu phí xe vào nội đô tại kỳ họp cuối năm 2021, UBND Thành phố sẽ xây dựng dự án đầu tư, phương án quản lý theo lộ trình; triển khai tích cực thì dự án có thể hoàn thành vào năm 2024.

Ngay khi Sở GTVT báo cáo UBND Tp. Hà Nội về đề án trên đã thu hút rất lớn sự quan tâm của dư luận và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. 

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng đề xuất của Hà Nội có thể vẫn đang “sớm quá” do hiện nay vận tải hành khách công cộng của các đô thị vẫn đang rất thấp, mới chỉ giải quyết được 20% nhu cầu đi lại, người dẫn vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân là chính.

“Trong bối cảnh đó, nếu hạn chế ô tô cá nhân nhưng chưa có phương tiện vận tải công cộng tiện lợi và chi phí hợp lý thì có thể khiến gia tăng lượng xe máy sử dụng trên đường. Điều này không phù hợp với định hướng mà Hà Nội hay Tp. HCM đang hướng đến”, ông Quyền.

Đồng tình với quan điểm phải phát triển giao thông công cộng, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng chưa nên nghĩ đến triển khai đề án thu phí vào nội đô ngay ở thời điểm này, ít nhất để nền kinh tế phục hồi, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp đỡ gánh nặng của đại dịch. Khi đó, đồng thời phát triển hệ thống giao thông hạ tầng, giao thông công cộng đi song hành thì thu phí phương tiện cá nhân.

"Tôi nghĩ rằng, lộ trình đó phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội. Nếu Hà Nội muốn giải quyết vấn đề là thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân, thì đi kèm theo đó là hệ thống công cộng phải phát triển. Nếu có hệ thống công cộng đầy đủ thì hoàn toàn có thể xác định thời điểm đó là thời điểm để chúng ta áp dụng", ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

Cũng về vấn đề trên, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng không nên sử dụng biện pháp kinh tế để hạn chế, kiểm soát phương tiện cá nhân của người dân mà cần tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

"Đến khi nào mà các tuyến đường sắt đô thị hoạt động, kết nối tốt việc đi lại, xe buýt chạy đúng giờ, thuận tiện cho người dân thì chúng ta hãy nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân. Đồng thời, tôi cũng nghĩ rằng, khi phương tiện công cộng đáp ứng được tốt nhu cầu người dân thì tự động họ sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân", TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết. 

Cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất của đề án là những "người nghèo", những người thu nhập - những người đã rất khó khăn để có thể sở hữu và duy trì được một chiếc ô tô, ông Thủy cho rằng việc xây dựng các phương án tổ chức giao thông mục tiêu cuối cùng là để phục vụ nhu cầu của người dân do đó phải đặt người dân vào vị trí trung tâm trong mọi tính toán để vừa đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Theo đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đơn vị tư vấn đã đề xuất thiết lập tổng cộng 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô tại 68 vị trí: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Theo dự kiến, mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Mức thu thấp nhất 50.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng/lượt để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành và đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông. Tổng mức dự kiến đầu tư cho đề án là khoảng 2.646 tỷ đồng.