Sự kiện

Hà Nội: Chính thức cấm cầu Thăng Long phục vụ tu sửa

Từ ngày 28/7, cầu Thăng Long chính thức được đóng phục vụ việc tu sửa mặt cầu quy mô lớn. Theo đó, từ 9h sáng cùng ngày (28/7), lực lượng chức năng tiến hành cấm tất cả các phương tiện qua tầng 2 cầu Thăng Long.

Ngày 28/7, bắt đầu cấm các phương tiện lưu thông qua tầng 2 cầu Thăng Long phục vụ dự án cải tạo, sửa chữa mặt cầu với mức đầu tư của gần 270 tỉ đồng.

Giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu lần này là sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.

Đúng 9h cùng ngày, hai đầu cầu được rào chắn bắt đầu chặn tất cả các phương tiện lưu thông trên tầng 2 trong thời gian sửa chữa (tầng 1 cầu Thăng Long, tàu hỏa lưu thông qua cầu Thăng Long với tốc độ nhỏ hơn hoặc bằng 5km/h trong thời gian sửa chữa; môtô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường).

Các cọc tiêu cao 50 cm, cùng biển báo công trường thi công, biển chỉ dẫn hướng đi cho phương tiện.

 

Tổ cảnh sát và thanh tra giao thông Hà Nội phân luồng, hướng dẫn phương tiện tại hai đầu cầu. Ôtô đi từ trung tâm thành phố ra ngoại thành và ngoại thành vào được chỉ dẫn thay đổi lộ trình theo đường Phạm Văn Đồng vào khu đô thị Tây Hồ Tây, qua Võ Chí Công, cầu Nhật Tân và ngược lại.

Bên cạnh đó, phân luồng từ xa đối với các có khối lượng toàn bộ lớn hơn hoặc bằng 1,25 tấn theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và xe khách lớn hơn hoặc bằng 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh phía Bắc về khu vực phía Nam cầu Thăng Long.

Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên (theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc, xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn... hoạt động trên tuyến đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân.

Đối với xe khách tuyến cố định có điểm đi, đến Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cầu Thăng Long: Lộ trình lưu thông theo phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục Đường bộ VN.

Đối với các phương tiện xe hợp đồng chở công nhân: Các phương tiện có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng → Đường Đỗ Nhuận, Đường DT1, (Khu đô thị Tây Hồ Tây - Ngoại giao đoàn) → đường Võ Chí Công đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.