Môi trường

Hà Nội: Chính quyền "né" trách nhiệm trước bãi rác từ khu cách ly Hạ Lôi

Vừa hết cách ly, Hạ Lôi ngổn ngang rác thải do công ty môi trường Minh Quân tập kết bừa bãi. Đáng nói, ngoài rác thải sinh hoạt, nhiều túi nilon rác thải lây nhiễm cũng đổ đống chình ình dọc đê tả sông Hồng. Trách nhiệm xử lý đống rác tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao này bị chính quyền xã và huyện “đá qua đá lại”.

Hồn nhiên trước nguy cơ lây nhiễm bệnh từ rác

Ngày 7/4/2020, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) quyết định cách ly gần 3.000 hộ với 11.000 nhân khẩu tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) do liên quan đến bệnh nhân số 243 nhiễm Covid-19 với thời gian cách ly là 28 ngày. Trước nguy cơ rác thải sinh hoạt tại đây có thể phát tán gây bệnh tật cho cộng đồng, huyện Mê Linh đã ký hợp đồng với công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là công ty Minh Quân - PV) là đơn vị trực tiếp thu gom rác ở địa phương trong thời gian có lệnh phong tỏa.

Đúng 0h ngày 6/5/2020, hạn cách ly kết thúc, thôn Hạ Lôi hoàn thành thời gian cách ly khi không phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh mới nào. Người dân có thể an tâm phần nào vì dịch bệnh được ngăn chặn ở địa phương. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tạp chí ĐS&PL chiều 6/5, dọc đê tả sông Hồng cách đền Hai Bà Trưng và trụ sở UBND xã Mê Linh khoảng 300m, rác thải bừa bãi, ngổn ngang giữa lòng lề đường do nhân viên công ty Minh Quân tập kết. Điều này khiến nhiều người dân qua lại bức xúc vì ô nhiễm.

Những bọc rác màu vàng được bộ Y tế quy định là rác lây nhiễm cần phải thu gom riêng.

Đáng chú ý, những bọc rác này có nguồn gốc từ khu cách ly của 11 xóm thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Số lượng rác thải được tập kết thẳng ra đây để chờ xe thu gom rác đến xử lý. Quan sát bằng mắt thường cho thấy, những bọc túi nilon màu vàng có ghi “cảnh báo về chất thải có chứa chất gây bệnh” bên trong chứa nhiều rác thải y tế (như khẩu trang y tế,...) lẫn chung với rác thải sinh hoạt. Người dân phản ánh đống rác này đã có từ mấy hôm trước. Tìm hiểu của PV, theo quy định của bộ Y tế, rác thải được đựng trong túi nilon màu vàng thường là rác thải lây nhiễm, cần được thu gom riêng.

Một công nhân môi trường thu dọn rác tại đây cho biết, đống rác này đã được tập kết ở đây 3 ngày, gom từ 11 xóm thuộc thôn Hạ Lôi, là những xóm bị cách ly, ra đây đổ để chờ xe bốc. “Vì hết chỗ, số lượng rác thải lớn và xe chưa tới kịp, nên chúng tôi bắt buộc phải đổ ra ngoài này - Công nhân môi trường này cho hay.

Chính quyền "đá bóng" trách nhiệm

Ông Tạ Quang Thái - Chủ tịch UBND xã Mê Linh - cho biết:  Mặc dù xã đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác thải, tuy nhiên do ý thức người dân còn kém nên mới để xảy ra tình trạng như trên. “Việc rác thải sinh hoạt có lẫn túi rác màu vàng, được quy định là rác thải có nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra lại và xử lý ngay” - Vị lãnh đạo xã cho hay.

Chính quyền địa phương đổ lỗi cho đơn vị vận chuyển rác mà huyện đã thuê.

PV liên hệ với ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 của huyện - thì được trả lời rằng ông đang “bận công tác” và ủy quyền cho Phó Chủ tịch huyện thông tin về vấn đề này. Sau khi đặt câu hỏi “huyện có biết đến tình trạng rác thải tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đang đổ bừa bãi ở ngoài môi trường, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch -khẳng định: Huyện đã chỉ đạo ban Quản lý đầu tư xây dựng cùng đơn vị tham mưu cho huyện, đơn vị chuyên xử lý rác thải trực tiếp chủ trì vận chuyển rác thải. “Chúng tôi luôn đôn đốc thường xuyên, yêu cầu ban Quản lý phối hợp với công ty Minh Quân thu dọn rác thải sinh hoạt để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Tuấn nói.

Ở một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Trọng Đông – Giám đốc sở TN&MT Hà Nội - trả lời PV rằng, việc xử lý vận chuyển rác thải thuộc trách nhiệm của sở Xây dựng, không thuộc thẩm quyền của sở TN&MT.

Hành động cẩu thả, nguy hiểm, có thể xử phạt

Với góc nhìn pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, việc thu gom chất thải lây nhiễm phải tuân thủ nguyên tắc: Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Qua hình ảnh tại hiện trường, có thể thấy việc phân loại, lưu trữ, thu gom đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật. Điều này rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng dân cư, từ chính hoạt động phòng, chống dịch Covid -19.

Luật sư Quách Thành Lực.

“Đây là hành động cẩu thả, nguy hiểm cần được UBND cấp huyện chỉ đạo khắc phục kịp thời. Không loại trừ khả năng xử phạt hành chính các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải y tế”, luật sư Lực nêu ý kiến.

Luật sư Lực nói thêm, nếu trường hợp từ nguồn rác thải này gây ra bệnh dịch truyền nhiễm trong cộng đồng thì cần phải xác định đây là hành vi “Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” có dấu hiệu của tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù đến 5 năm.

Rác thải nguy hại cần xử lý riêng

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, theo quy định tại thông tư Liên tịch số 58 của bộ Y tế, những rác thải được đựng trong túi nilon màu vàng là rác thải nguy hại, nguy cơ lây nhiễm cao cần được xử lý riêng."Việc này cần được xử lý nghiêm, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Không chỉ mình rác thải y tế, những loại rác thải thường hiện nay cũng cần được phân loại và xử lý đúng nơi quy định".

Tuấn Linh - Phạm Tùng - Lê Liên