Sự kiện

Hà Nội: Chỉ thị hỏa tốc khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà

Chiều 5/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký chỉ thị hỏa tốc kêu gọi người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Trước sự xuất hiện của ổ dịch Covid-19 mới tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại địa bàn Hà Nội, chiều 5/5, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký hỏa tốc ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đây là văn bản thứ 5 của Hà Nội trong vòng 1 tuần qua.

Theo chỉ thị, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiểm tra BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong. Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.

Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Bên trong khu cách ly, các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, không được giao lưu.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp…, và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Tất cả các đơn vị từ TP đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị… chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.