Bất động sản

Hà Nội chi 1.759 tỷ đồng để GPMB dự án đường Vành đai 4

Dự kiến Hà Nội sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong quý IV/2022.

Báo cáo của UBND Thành phố tại Hội nghị lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII nêu rõ, năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công mà Trung ương giao cho Thành phố là 51.582,9 tỷ đồng. Kế hoạch Thành phố giao đầu năm cũng bằng kế hoạch vốn Trung ương giao. 

Nguồn vốn này được bố trí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án cấp Thành phố là 21.594,2 tỷ đồng; bố trí thực hiện các nhiệm vụ, dự án cấp huyện là 29.478,7 tỷ đồng.

Thành phố cũng tính toán hai kịch bản giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022. Trong đó, với phương án đạt cao, tỉ lệ giải ngân sẽ đạt 90,1% so với kế hoạch giao đầu năm (trong trường hợp giải ngân hết 1.759,69 tỷ đồng ứng Quỹ Đầu tư phát triển đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4, các đơn vị thực hiện giải ngân như cam kết tháng 9/2022).

Với phương án đạt thấp, tỉ lệ giải ngân ước đạt 82,6% kế hoạch (trong trường hợp kết quả giải ngân năm 2022 của các đơn vị như tại báo cáo của các đơn vị trong đề xuất xây dựng kế hoạch năm 2023).

Thành phố cũng đánh giá, năm 2022 Thành phố dự kiến hoàn thành 60 dự án xây dựng cơ bản tập trung, 112 dự án ngân sách sử dụng vốn ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ cấp huyện…

Nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm nay, từ UBND Thành phố đến các sở, ngành, các quận, huyện phải tập trung vào công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán...

Vị Chủ tịch mong muốn các lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn quan tâm đến vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Toàn cảnh hội nghị.

Liên quan đến triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo Thành phố nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4.

Đề nghị các sở, ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương; nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh, việc này đang nóng, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.

Theo kế hoạch dự kiến, năm 2023, Trung ương dự kiến giao cho Thành phố Hà Nội là 46.956,098 tỷ đồng. Thành phố cũng xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp thành phố (26.184,646 tỷ đồng). Trong đó, sẽ bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả, bổ sung Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, vốn thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, vốn thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch là 4.340,305 tỷ đồng.

Nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công cấp thành phố là 15.720,291 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ giao vốn cho 256 dự án, gồm: 219 dự án chuyển tiếp với số vốn 13.107,791 tỷ đồng; 37 dự án mới với số vốn 2.612,5 tỷ đồng…

Thành phố cũng sẽ bố trí vốn thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.751,55 tỷ đồng. Trong đó, với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sẽ bố trí 1.713,05 tỷ đồng với 125 dự án; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội dân tộc miền núi: 38,5 tỷ đồng, với 8 dự án mới.

Đáng chú ý, ngân sách Thành phố cũng sẽ hỗ trợ cho cấp huyện 4.372,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng ảnh hưởng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của thành phố; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế với 81 dự án, số vốn là 1.222,5 tỷ đồng.

Hà Nội UBND các huyện, thị xã bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện theo đúng trách nhiệm.

Từ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cũng đề xuất giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với phương án tổng nguồn vốn là 46.946,267 tỷ đồng. Trong năm, trong trường hợp dự án đường Vành đai 4 và các dự án khác có nhu cầu bổ sung kế hoạch, sẽ xem xét bổ sung từ các nguồn của thành phố. Thành phố bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án theo tiến độ.

UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện theo đúng trách nhiệm với các dự án sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ để hoàn thành dự án… Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, HĐND Thành phố sẽ quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án ngân sách của Thành phố.

Thành phố cũng kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt đối với chi phí lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định.

Phân bổ theo thứ tự ưu tiên

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, liên quan đến thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải rà soát bảo đảm bố trí vốn theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và thứ tự ưu tiên đầu tư.

Trong đó, cần tập trung bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp; bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường, đường sắt đô thị…), các dự án có khả năng hấp thụ vốn và giải ngân tốt, không bố trí vốn cho các dự án mới khi chưa bảo đảm đủ thủ tục đầu tư để khởi công theo quy định.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố phải có các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, tập trung chỉ đạo, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm để tập trung quyết liệt triển khai công tác đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2023, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm làm chậm tiến độ dự án, giảm hiệu quả vốn đầu tư công, phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhiều lần trong năm”.