An ninh - Hình sự

Hà Nội: Bắt đối tượng cướp giật iPhone có 3 tiền án

Nghiện ma túy, vừa mới ra tù nhưng "ngựa quen đường cũ", Đỗ Văn Tường tiếp tục thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Chiều 30/8, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang củng số hồ sơ để khởi tố Đỗ Văn Tường (38 tuổi, người địa phương) về tội Cướp giật tài sản, theo Điều 171 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra, Tường vừa mới ra tù, không có việc làm ổn định và nghiện ma túy. Không có tiền tiêu xài nên đối tượng nảy sinh ý định cướp giật tài sản. Đáng chú ý, Tường là đối tượng có 3 tiền án, 2 tiền sự, trong đó có 1 tiền án về tội Cướp giật tài sản.

Do tình hình dịch bệnh, người dân không đi ra ngoài, đường vắng nên đối tượng nhắm vào người đi đường đang sử dụng điện thoại, để lộ nhiều sơ hở để thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Đối tượng Đỗ Văn Tường. Ảnh: Người Lao Động. 

Khoảng 21h45 tối 19/8, Tường điều khiển xe máy đi từ Minh Khai đến trường Đại học Tài nguyên Môi trường (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) thì phát hiện chị Lê Thị P. (SN 2000, trú tại huyện Ba Vì, Tp.Hà Nội) đi xe đạp điện, một tay đang nghe điện thoại nói chuyện. Tường điều khiển xe máy áp sát từ phía sau giật chiếc điện thoại iPhoneXSMax trên tay chị P. rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Sau khi cướp giật tài sản, Tường đã mang đi phá khóa và cất giấu ở nhà chờ có cơ hội để mang đi bán.

Trong quá trình công an điều tra mở rộng vụ án, Đỗ Văn Tường còn khai nhận đã thực hiện hành vi cướp giật chiếc iPhone 8 Plus màu vàng tại cổng chợ Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tội Cướp giật tài sản được xử lý như thế nào? 

Theo quy định tại Điều 171, Bộ Luật Hình sự về tội Cướp giật tài sản như sau: 

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ảnh: Người Lao Động.

Han (t/h từ Zing News, Người Lao Động)