Giáo dục

Hà Nội: Ban phụ huynh không được thu 7 khoản tiền này

Ban phụ huynh các lớp học ở Hà Nội không được thu 7 khoản tiền sau: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh nhà trường; Tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Tiền vệ sinh; Tiền khen thưởng cán bộ quản lý; Tiền mua sắm máy móc thiết bị; Tiền hỗ trợ công tác quản lý; Tiền sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Theo báo Tin tức, ngày 9/5, UBND TP.Hà Nội có công văn về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019 - 2020. Trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, quà biếu, tặng tại các cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Tình trạng lạm thu giáo dục xảy ra phổ biến trong nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND quận huyện sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã xảy ra tình trạng lạm thu.

"Lạm thu” lâu nay đã bị coi là hình thức tham nhũng trong giáo dục và chuyện đóng tiền phụ thu các khoản tiền có tên, không công dụng đã trở thành lệ, đóng mãi thành quen khiến các vị phụ huynh cũng không ngờ mình đang “tiếp tay” cho nạn tham nhũng giáo dục này.

Báo Giáo dục Việt Nam thông tin, lạm thu đầu năm học là câu chuyện được nhiều người ví như 'đến hẹn lại lên'. Đã nhiều năm qua, dù ngành chức năng liên tục ra văn bản quy định rõ những khoản nhà trường được thu, không được thu cũng như chấn chỉnh vi phạm, nhưng tình trạng lạm thu vẫn núp dưới tên gọi 'tự nguyện', 'thỏa thuận' hoặc 'xã hội hóa' để tái diễn.

Trong một bài viết về nạn lạm thu giáo dục đăng tải trên báo Đại đoàn kết, tờ báo này cho hay, trao đổi với báo chí, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Nhưng điều đáng tiếc là những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp…

Trong khi đó, nhiều phụ huynh cùng có chung tâm sự, rằng ai cũng bất bình, nhưng ai cũng có tâm lý vì con em mình đang học tại trường, lỡ phản ánh gay gắt mà khổ con trẻ… nên ai cũng đành ngậm ngùi cho qua.

Trước đó, Hà Nội đã thiết lập đến 31 đường dây nóng để người dân phản đối tình trạng lạm thu, mà lãnh đạo các nhà trường vẫn cố tình vi phạm, cho thấy thực trạng đường dây nóng chưa phải giải pháp giải quyết triệt để vấn đề. 

H.Y (tổng hợp)