Giáo dục

Hà Nội: Bác bỏ thông tin học trực tuyến khi số ca Covid-19 tăng

Theo đó, các trường cần đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, tránh gây hoang mang cho học sinh và phụ huynh.

Mới đây, liên quan đến thông tin Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19 xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, về việc này lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, thông tin trên là không chính xác.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19 được toàn ngành giáo dục Hà Nội duy trì từ đầu năm học 2023-2024 đến nay.

Các Phòng GD&ĐT, nhà trường cần thận trọng khi phát ngôn và chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca Covid-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây.

Cụ thể, từ ngày 3 đến 9/4, cả nước thêm 419 ca Covid-19, là tuần ghi nhận số ca cao nhất thời gian qua. Ngày 8/4 có số ca nhiều nhất là 122. Trước đó, mỗi tuần 70-120 ca. Bộ Y tế chưa ghi nhận có sự biến đổi về chủng vi-rút mới tại Việt Nam.

Số ca Covid-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là Tp.Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca Covid-19 tăng so với tuần trước. Ngày 8 và 10/4, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 100 ca Covid-19 mới.

Sáng 12/4, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lý giải số ca Covid-19  tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm đã giảm.

Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút phát triển, nhiều người cũng lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.

Theo ông Phu, số ca nhiễm thực tế cao hơn số ca được Bộ Y tế công bố hằng ngày, lý do được chuyên gia y tế dự phòng đưa ra là có nhiều người mắc bệnh, có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự test và tự điều trị tại nhà.