Xi nhan Trái Phải

Gửi ông Đoàn Ngọc Hải: Cẩn trọng “bẫy” từ thiện chực chờ!

Ông Đoàn Ngọc Hải có thể bị lợi dụng trở thành biểu tượng công lý, một “người hùng” nhỏ bé đối đầu với cả một “thế lực đen tối”. Đó là một viễn cảnh nguy hiểm!

Ông Đoàn Ngọc Hải là nhân vật thiện nguyện nhận được sự chú ý và cảm tình thời gian qua. Xuất thân từ một quan chức Nhà nước, ông nổi tiếng với hình ảnh sắt đá trong công việc và hết mình trong công tác cộng đồng. Và có lẽ sự yêu mến dành cho ông phần nhiều cũng đến từ xuất thân đó, khi quan chức về hưu chọn cuộc sống an lạc nhiều hơn là trở thành lái xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo.

Đoàn Ngọc Hải là một nhân vật hiếm thấy. Người dân dõi theo công việc của ông, báo chí lắng nghe những phát biểu của ông, “mạnh thường quân” sẵn sàng mở hầu bao vì ông, rất nhiều người yêu quý ông, thậm chí coi ông là thần tượng. Có thể nói ông là một người nổi tiếng, một người có tầm ảnh hưởng.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu ông Hải tiếp tục sứ mệnh của mình với tư cách là một nhà thiện nguyện đơn thuần chứ không phải vẫn còn âm hưởng của một quan chức nhà nước trong hành động, lời nói.

Trong bài đăng trên Facebook gần đây, ông Hải đòi lại số tiền 106 triệu đồng hỗ trợ xây nhà tình thương cho người nghèo từ huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ông phàn nàn chính quyền “vô cảm” và “không có trách nhiệm” với người dân.

Ông Hải với vai trò cá nhân - đưa ra yêu cầu như một mệnh lệnh hành chính – đối với chính quyền huyện, vì một tháng đã qua họ chưa giải ngân số tiền mà ông ủng hộ. Đây chính là tình tiết khiến hình ảnh ông Hải trở nên tranh cãi.

Nếu nói ông Hải trịch thượng, kiêu ngạo thì dường như quá chủ quan, vì bản thân ông Hải là người cương trực, thẳng tính, có gì nói nấy, không kiêng nể ai.

Nhưng với người khác nhìn vào, họ thấy ông dường như đang trở thành một thẩm phán đứng trên cả chính quyền. Ông phán xét theo lăng kính chủ quan với những gì ông nhìn thấy, ông cảm thấy và sau cùng là sẵn sàng “dọa dẫm”.

Ông Hải có quyền được biết số tiền ủng hộ của mình đang được làm gì hay không? Tất nhiên là có, nhưng dường như ông đang không chọn cách giám sát hợp lý nhất.

Cách mà cựu Phó Chủ tịch Quận 1 thể hiện khiến ai đó cảm thấy ông đang đang coi số tiền 106 triệu là công cụ đưa đẩy, chi phối chính quyền huyện theo kiểu “ngoan thì cho, hư thì nghỉ”.

Cách làm đó dường như chỉ làm cho những kẻ vốn đã bất mãn với chính quyền được hả hê. Còn với những người theo sát, ủng hộ ông Hải thì thấy có chút buồn.

Người ta thích ông ở cái tâm thiện nguyện trong sáng, vô tư, hết lòng, bỏ cả tiền túi ra để vì người nghèo, không màng tư lợi, quyền lực. Nhưng lần này, người ta thấy tính quyền lực trong ông đã manh mún phát tiết.

Câu chuyện đăng đàn đòi tiền từ thiện của ông Đoàn Ngọc Hải đã kết thúc tốt đẹp, khi chính quyền huyện nơi ông đòi tiền đã lên tiếng giải thích. Và ông Hải có thể sẽ hơi đỏ mặt khi nhận ra rằng bản thân ông cũng có lỗi trong chuyện này khi không nói rõ số tiền mình ủng hộ dùng vào việc gì nên chính quyền Nam Trà My mới chuyển tiền vào quỹ chung. Có lẽ cũng vì nhận ra mình đã hơi nóng vội, nên ông không đòi tiền nữa.

Nhưng hệ quả sau câu chuyện này là rất khó lường. Đó là sẽ có những người sẽ càng thần tượng mù quáng ông và tạo nên một “fanclub” cực đoan. Họ coi ông là một người có đủ khả năng đe nẹt cả một bộ máy chính quyền và sẵn sàng đầu tư để biến ông trở thành một kẻ đứng mũi chịu sào cho những toan tính vô hình.

Đã từ lâu, luôn có một quan niệm bất bình thường về việc chính quyền thì luôn xấu xa còn người dân thì luôn tốt đẹp. Trong câu chuyện này, ông Hải có thể bị lợi dụng trở thành biểu tượng công lý, một “người hùng” nhỏ bé đối đầu với cả một “thế lực đen tối”. Đó là một viễn cảnh nguy hiểm cho đất nước.

Và viễn cảnh đáng sợ hơn nữa khi bản thân ông Hải cũng trở nên tha hóa bởi cái gọi là quyền lực từ cộng đồng.

Khi được tung hô bởi số đông, một người dù trước đó cảm thấy kém cỏi cũng có đủ niềm tin để trở thành người đứng trên tất cả. Khi được công nhận về năng lực, bản ngã bị lấn át trước tiếng hô vang, người đó sẽ huyễn hoặc bản thân có quyền phán xét người khác và thậm chí lật đổ cả một hệ giá trị.

Trách nhiệm từ thứ quyền lực đó rất lớn và có lẽ bản thân ông Hải cũng sẽ không muốn mình trở thành con rối bị giật dây.

Làm người khó nhất là biết mình là ai, vai trò của mình là gì và không lẫn lộn chính danh. Nếu đã tâm niệm mình đi làm từ thiện, vậy thì phải là người từ thiện đúng nghĩa, chứ không phải người phán xử.

Cũng như, cái khó nhất của làm từ thiện là coi nhẹ đồng tiền mình cho đi. Nếu còn quanh quẩn số tiền ấy dành cho ai, dùng vào mục đích gì, giải ngân như thế nào, thì đồng tiền ấy hóa ra vẫn chưa rời khỏi túi mình.

Từ thiện là công việc cao cả giúp xã hội, nhưng đôi khi chỉ cần ngồi một chỗ và làm tốt vai trò của mình, đừng chen ngang công việc của ai, thì xã hội cũng đã đủ cảm kích.

Sau những tranh cãi xung quanh chuyện làm từ thiện, chúng ta cuối cùng cũng nhận ra rằng thứ còn thiếu trong cách làm từ thiện chuyên nghiệp là khung pháp lý rõ ràng.

Để không còn những hoài nghi về hình ảnh từ thiện nhuốm màu lừa lọc, từ thiện để đánh bóng cá nhân hay từ thiện mà khiến cán bộ địa phương quỵ lụy vì nhà hảo tâm, sẽ cần có các thiết chế, quy định cụ thể về cách làm từ thiện.

Các nước phương Tây luôn quy định các tổ chức từ thiện hay cá nhân khi kêu gọi sự ủng hộ trong cộng đồng đều phải thông qua các công ty gây quỹ chuyên nghiệp được cấp giấy phép của chính quyền.

Các công ty gây quỹ sẽ có trách nhiệm thay mặt kiểm soát các khoản đóng góp và đảm bảo công khai số tiền mà họ thu về và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từng khoản tiền sẽ được đăng tải một cách minh bạch thông qua các tài liệu, thông cáo báo chí một cách bắt buộc, để cho công chúng biết rằng, ai là người đóng góp, số tiền đó được giao cho ai, với mục đích gì.

Ngược lại, mọi hành động kêu gọi gây quỹ cộng đồng gửi vào tài khoản cá nhân hay không công khai số tiền thu được đều được coi là bất hợp pháp.

Chúng ta nhận được gì khi có một “nền từ thiện chuyên nghiệp”?

Đầu tiên là minh bạch, thứ hai là giám sát trung lập, thứ ba là hoạt động đúng quy trình. Khi cả ba yếu tố được tuân thủ, chuyện từ thiện, đòi tiền, hiểu lầm, chắc sẽ không còn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả