Thế giới

CEO Grab: Từ ý tưởng kinh doanh với cô bạn đồng khoá đến kỳ lân công nghệ 40 tỷ USD

Grab khởi nguồn từ đề xuất kinh doanh mà Anthony Tan cùng với cô bạn đồng khóa là Tan Hooi Ling đạt giải Á quân trong một cuộc thi của Đại học Harvard năm 2011.

Mới đây, siêu ứng dụng Grab- kỳ lân công nghệ đình đám của Đông Nam Á có trụ sở chính tại Singapore đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào thứ Năm này 2/12 thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường App Annie, tính đến tháng 10 năm nay, hơn 40% điện thoại ở khu vực Đông Nam Á có cài đặt ứng dụng này. Để đi đến ngày hôm nay, Anthony Tan - Giám đốc điều hành của Grab đã đi qua hành trình nhiều thành quả nhưng cũng không thiếu những trái đắng, đưa Grab từ một công ty khởi nghiệp trở nên được ưa chuộng và có phạm vi hoạt động khắp 8 quốc gia Đông Nam Á.

Grab niêm yết tại Mỹ qua thương vụ SPAC lớn nhất thế giới

Anthony Tan, giám đốc điều hành kiêm người đồng sáng lập công ty công nghệ Grab. Ảnh: Financial Times.

Anthony Tan sinh năm 1982, tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ông là con út trong gia đình có ba anh em trai, ba là ông Tan Heng Chew, Chủ tịch công ty lắp ráp và phân phối xe Tan Chong Motor. Ông hoàn thành chương trình Cử nhân tại Đại học Chicago từ năm 2000 đến năm 2004 và tiếp tục theo đuổi chương trinhg Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard  từ năm 2009 đến năm 2011.

Ông được biết đến chủ yếu với vai trò là giám đốc điều hành kiêm người đồng sáng lập siêu ứng dụng Grab - “decacorn” đầu tiên ở Đông Nam Á (một công ty khởi nghiệp trị giá hơn 10 tỷ USD).

Grab khởi nguồn từ đề xuất kinh doanh mà Anthony Tan cùng với cô bạn đồng khóa là Tan Hooi Ling đạt giải Á quân trong một cuộc thi của Trường Kinh doanh Harvard năm 2011. Đề xuất nhằm mục đích tạo ra một ứng dụng di động kết nối trực tiếp những người tìm kiếm với những người lái xe taxi gần vị trí của họ nhất trong môi trường đô thị. 

Năm 2012, hai người bạn đã thành lập ứng dụng MyTeksi (tên gốc của Grab) được vận hành bởi khoản vốn ban đầu là tiền thưởng từ cuộc thi và vốn cá nhân.

Để hoàn toàn tập trung vào việc phát triển MyTeksi, Anthony Tan đã từ chức Giám đốc Chuỗi cung ứng và Tiếp thị tại công ty Tan Chong Motor Holdings của gia đình. Điều này làm ba của ông lúc ấy không bằng lòng và từ chối cấp vốn cho MyTeksi. Tuy nhiên, Anthony Tan nhận được sự ủng hộ từ người mẹ. Bà đã đầu tư một khoản vào công việc kinh doanh của con trai và cùng tham dự các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư. 

Anthony Tan chia sẻ về khoảng thời gian ấy: “Gia đình thật khó hiểu những gì tôi sẽ làm và tôi không đổ lỗi cho họ. Trước khi bắt tay vào hành trình đối với các công ty khởi nghiệp, nếu muốn chiến thắng và phát triển nhanh thì bản thân phải hy sinh rất nhiều”. 

Với các khoản đầu tư từ mẹ và các nhà đầu tư khác, Anthony Tan đã đổi thương hiệu MyTeksi thành GrabTaxi vào năm 2013. Cùng năm đó, ứng dụng Grab được mở rộng sang thị trường Philippines, Singapore và Thái Lan. 

Năm 2014, ông chuyển trụ sở của GrabTaxi đến Singapore sau khi công ty nhận được vòng gọi vốn Series A trị giá 10 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm Vertex Venture Holdings (Singapore). Cùng năm 2014, Anthony Tan hợp tác với công ty HDT Holdings để đưa 100 xe taxi điện BYD e6 vào thị trường Singapore, hình thành đội xe điện tử lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Vào tháng 5/2014, Anthony Tan mở rộng công ty với việc ra mắt ứng dụng GrabCar (gọi xe ô tô cá nhân). Vào tháng 11/2014, ông đã giới thiệu GrabBike (gọi xe máy) đến thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam như một dịch vụ thử nghiệm.

GrabBike trở thành một dịch vụ chính thức vào năm 2015, mở rộng sang phần còn lại của Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Vào tháng 2/2015, phiên bản cao cấp của GrabCar là GrabCar + được ra mắt tại Philippines. Ông ty tiếp tục ra mắt GrabHitch (đi chung xe) và Grab Express (giao hàng) vào tháng 11/2015. Tháng 3/2018 là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng của Grab khi sáp nhập ứng dụng gọi xe Uber vào thương hiệu này.

Anthony Tan cùng với người bạn đồng sáng lập Grab là bà Tan Hooi Ling. Ảnh: Grab. 

Năm 2019, với khối tài sản ròng trị giá 380 triệu USD, ông xếp ở vị trí thứ 38 trong danh sách 50 người giàu nhất tài sản ròng tại Malaysia theo bảng xếp hạng Forbes. Con số này tăng lên 646 triệu USD vào năm 2020.

Với việc Grab chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 12/2021, giá trị tài sản ròng của ông dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lên. 

Năm 2020, Anthony Tan và người đồng sáng lập Grab là bà Tan Hooi Ling đã giành được Giải thưởng Nikkei Châu Á lần thứ 25 cho hạng mục đổi mới kinh tế và kinh doanh. Nikkei Asia cho rằng chiến thắng này là do Grab đã mở rộng từ vị trí nhà điều hành dịch vụ gọi xe sang nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, hàng tạp hóa cũng như các giải pháp thanh toán không cần tiền mặt.

Hà Thanh (theo Strait times, Money Inc, Forbes)