Chính sách

Góp ý dự thảo Sửa đổi bổ sung một số điều luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 18/9, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý.

Cân nhắc quy định cắt điện nước trong xử lý vi phạm 

Thực hiện nghị quyết 78/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và Kế hoạch tham gia xây dựng chính sách, pháp luật 2020, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Xuân Anh - Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội cho biết, về cơ bản, dự thảo Luật gửi xin ý kiến lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối đầy đủ, khách quan và đã được rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.

Hiện nay trong dự thảo chỉ còn 1 nội dung còn có nhiều ý kiến trái chiều đó là vấn đề về bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” quy định tại khoản 40 Điều 1 dự thảo. Theo đó, vấn đề này hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Ông Phạm Xuân Anh tham gia đóng góp ý kiến 

Ông Trương Khánh Hoàn – Vụ pháp luật hình sự hành chính cho rằng: Nếu luật đưa quy định về việc áp dung biện pháp này là vi phạm về quyền công dân, quyền con người đồng thời thể hiện sự bất lực của chính quyền trong khâu xử lý vi phạm. Bởi, luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành vẫn có nhiều biện pháp cưỡng chế rồi mà không thực hiện được dẫn đến việc buộc Nhà nước phải áp dụng các biện pháp cực đoan. 

Ông Hoàn cho rằng, nếu vẫn áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện nước thì cần phải hết sức cẩn trọng, phải khoanh vùng áp dụng trong một số trường hợp cụ thể chứ không áp dụng tràn lan.

Ví dụ nếu hành vi sử dụng điện nước gây ô nhiễm môi trường thì tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm. Sau khi xử phạt mà vẫn tiếp tục gây ô nhiễm thì áp dụng biện pháp ngừng cung cấp  điện, nước để không còn nguồn gây ô nhiễm.

Đồng ý với ý kiến này nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng biện pháp này cần phải được cân nhắc kỹ để tránh trường hợp lạm quyền, áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các vi phạm hành chính không phù hợp.

Ví dụ việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của gia đình một cá nhân bị xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông là bất hợp lý. Nhu cầu sử dụng điện nước là tất yếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngàynên việc cưỡng chế kiểu này ảnh hưởng đến nhân quyền và cuộc sống của các thành viên trong gia đình cá nhân đó.

Về nội dung liên quan đến thẩm quyền tịch thu tang vật, đại biểu cho rằng, theo luật hiện hành, thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm bị giới hạn (giá trị). Trừ Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng mới có quyền tịch thu không giới hạn.

Người nghiện ma tuý phải bắt buộc đến trung tâm cai nghiện

Tuy nhiên, trong dự thảo Chính phủ trình quy định không giới hạn về giá trị tang vật vi phạm hành chính, điều này có thể dẫn đến lạm quyền trong thực tiễn áp dụng. Đơn cử, chủ tịch UBND xã có giới hạn xử lý tịch thu tàn sản đến 2 triệu đồng, nhưng nếu mở ra thì sẽ tịch thu đến không giới hạn của người vi phạm.

Về vấn đề áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma tuý cũng rất phức tạp. Theo luật hiện hành, người nghiện ma tuý từ 18 tuổi trở lên sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục ở xã, phường, thị trấn.

Các đại biểu trao đổi tại toạ đàm

Trên thực tế, nếu chỉ có biện pháp quản lý và giáo dục thì không hiệu quả. Vì vậy, tờ trình cũng đã thống nhất tách bỏ biện pháp trên chỉ áp dụng với người sử dụng ma tuý, không áp dụng với người nghiện (sử dụng thường xuyên).

Tờ trình nêu quy định, người nghiện ma tuý phải bắt buộc đến trung tâm cai nghiện. Đây là sự khác biệt với luật hiện hành, đó là trường hợp đã áp dụng cai nghiện tại nhà (tự nguyện) hoặc người nghiện không có nơi cư trú thì mới áp dụng đưa đi bắt buộc.

Tuy nhiên, đối với vấn đề này, nhiều đại biểu tại tọa đàm còn băn khoăn việc “nếu cứ nghiện là đưa đến cơ sở cai nghiện thì với khoảng 230 nghìn hồ sơ người nghiện hiện nay, các cơ sở hiện đáp ứng được hay không?”. Đây cũng là vấn đề cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn sau khi luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.

Kiến nghị bỏ quy định tạm giữ người để xác minh nhân thân

Vấn đề quy định tạm giữ người trong thủ tục hành chính, luật hiện hành chỉ quy định 3 trường hợp. Trong khi tờ trình lại mở rộng thêm, trong đó có tạm giữ người để xác minh nhân thân.

Một số đại biểu cho rằng, đây là vấn đề rất rộng và nhạy cảm bởi trường hợp nếu đi xe máy ra đường không mang giấy tờ mà bị tạm giữ người thì có vi phạmquyền công dân hay không? Với băn khoăn trên, đại biểu cũng đề nghị cần bỏ quy định này. Chỉ tạm giữ người để ngăn chặn hành vi vi phạm nguy hiểm.

Về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi quấy rối tại các phiên tòa, ông Bùi Sỹ Khánh (vụ Pháp chế và quản lý khoa học - Tòa án Nhân dân Tối cao) cho hay, hiện tại trong các phiên toà, đặc biệt các phiên xử vi phạm hành chính thường xuất hiện nhiều người gây rối.

Nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu được đưa ra. 

Khi họ ở dưới không đồng tình với phán quyết thì sẵn sàng gây rối gây mất trật tự. Những hành vi có thể không gây hậu quả nhưng làm mất đi sự trang nghiêm của phiên toà.

Trong khi đó, hiện không có quy định xử lý các trường hợp như vậy. Nếu người dân gây rối, khiến phiên toà phải tạm hoãn để mời lực lượng công an. Nhưng khi vắng bóng công an họ lại gây rối.

Từ đó chúng tôi kiến nghị có biện phạm xử lý những trường hợp gây rối như vậy. Toà án không muốn phạt tiền người dân, nhưng cần phải có chế tài để bảo đảm sự trang nghiêm, an toàn, hiệu quả trong các phiên xét xử.

Bên cạnh đó, nhiều luật gia đã gửi văn bản đóng góp ý kiến đến hội thảo.