Đối thoại

Gốc rễ của biến đổi khí hậu là con người, chính sách là bộ khung định hướng

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Nguyễn Đình Thọ, việc cấp bách hiện nay là cần đưa ra quyết định giữa phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường.

Chiều 9/11, Tọa đàm Công bố Báo cáo Quốc gia Việt Nam với chủ đề: Chính sách môi trường ở Việt Nam đã được tổ chức với sự tham dự, đóng góp ý kiến của đại diện Bộ TN&MT, Tổ chức Liên hợp quốc UNDP, chuyên gia cao cấp của Chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu cùng các nhà nghiên cứu, khoa học từ các trường Đại học, học viện tại Việt Nam cũng như tại Đức.

Toạ đàm công bố Báo cáo Quốc gia Chính sách môi trường ở Việt Nam

Chính sách môi trường luôn là điều quan trọng và cấp bách

Phát biểu tại Toạ đàm, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chuyên gia cao cấp của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu, Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đánh giá cao những báo cáo chính sách được đưa ra bởi tính đa chiều, rõ ràng và chân thực.

Ông cho rằng: “Gốc rễ của biến đổi khí hậu bắt đầu từ chính con người, chứ không phải từ chính sách. Bởi chính sách nào đề ra cũng do người dân thực thi. Một báo cáo hay về chính sách lại không bắt đầu từ chính sách, mà bắt đầu từ nhận thức, hành vi của người dân”.

Tuy con người là yếu tố quyết định và trực tiếp nhất gây ra những vấn đề về môi trường, hành động bảo vệ môi trường. Nhưng hiển nhiên, luôn luôn cần có thể chế, chính sách như bộ khung, đường ray để tất cả mọi người đi theo nhằm đạt mục tiêu hiệu quả và nhanh nhất có thể.

Hơn nữa, khi xét trong bối cảnh cả cộng đồng thế giới đang hướng sự quan tâm tới sự kiện COP26 tại Glasgow, Anh, thì ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam nhận định, những vấn đề liên quan đến chính sách chống biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam

Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng và quyết liệt với vấn đề chống biến đổi khí hậu: đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Để làm được điều đó, chúng ta phải dựa trên những nền tảng, khuôn khổ chính sách hiện có để thực thi những chính sách về môi trường một cách có hiệu quả.

Những thách thức đề ra đều liên quan đến một câu hỏi lớn mà nhân loại cần giải đáp: chính sách biến đổi khí hậu. Mỗi một thách thức nhỏ đều tạo ra những động lực để chúng ta có thể đưa ra những chính sách, chỉ đạo phù hợp. Song, quá trình này không thể diễn ra mà không có sự hiểu biết rõ ràng bởi đây là một quá trình liên tục diễn ra và liên tục thay đổi, vì vậy chúng ta luôn phải vận động, xây dựng, đổi mới chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Chọn phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường?

Theo ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT cho biết, dự kiến, đến 2050, sẽ có ⅔ dân số sống ở thành thị, rõ ràng việc phát thải của chúng ta hơn 100 năm qua do quá trình đô thị hoá đã gây ra những tác hại đến môi trường, diễn biến dịch bệnh covid, biến đổi khí hậu ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới toàn cầu và Việt Nam. 

Do đó, việc thông qua Luật BVMT 2020 như là một cuộc cách mạng nâng cao nhận thức về BVMT của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chiến đấu chống biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Tuy nhiên, chính vì là cuộc cách mạng nên sẽ nhận lại rất nhiều phản ứng từ các bên, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bởi họ cho rằng chi phí thực thi BVMT sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Vậy, chúng ta phải quyết định có nên đánh đổi kinh tế lấy môi trường hay không, có nên quyết định giữa phát triển và bảo vệ, bảo tồn đang là câu hỏi và vấn đề cấp bách.

Phát biểu xây dựng ý kiến về vấn đề này, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhận định điều quan trọng khi xây dựng những chính sách về môi trường đó là Lượng giá - Định giá môi trường, nghĩa là chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi liệu thực hiện những chính sách môi trường thì có giá trị gì cho kinh tế, kinh doanh.

Ví dụ khu Ecopark, thuê công ty độc lập làm 20 trạm đo không khí, thực hiện đo luôn cả những khu lân cận để đối trọng, chứng minh rằng không khí ở Ecopark trong lành hơn những vùng xung quanh. 

Đó là một minh chứng và là cách để đem lại giá trị kinh tế, cuộc sống khi người dân muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, mua nhà tại đây, từ đó giá trị ngôi nhà và khu đất đó sẽ tăng giá trị nhờ nhu cầu của người dân.

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chuyên gia cao cấp của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu

Do vậy, người dân, doanh nghiệp cần có thái độ quan tâm hơn tới môi trường bởi tất cả đều quy lại một lợi ích về kinh tế cho chúng ta. Dù tiền là không đủ, nhưng tiền là một yếu tố có sức thuyết phục rất tốt cho tất cả. Ông nghĩ đây là một hướng đi, lối tiếp cận rất mới và hay mà Bộ TN&MT có thể quan tâm.

Mặt khác, ông Thọ cho rằng , kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ là một công cụ quan trọng để thực hiện cân bằng điều này. Ông Thọ khẳng định, KTTH từ nay tới 2050 sẽ thực sự là một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 của thế giới để chúng ta có thể thực hiện các mục tiêu chuyển từ nền KT tuyến tính sang nền KTTH. 

Theo đó, có thể đảm bảo thực hiện được mục tiêu 3R: reuse, reduce và recycle (tái sử dụng, cắt giảm và tái chế) nằm đạt được hướng triển khai BVMT theo 3 hướng trụ cột quan trọng.

Trụ cột thứ nhất, tập trung vào giảm sử dụng nguyên liệu: nguyên liệu thô - kim loại, phi kim, năng lượng và sinh khối. Từ nguyên liệu thô sang các dòng thải công nghiệp: thuỷ tinh, kim loại, dầu nhớt, gỗ… tạo dòng thải trong nền KT.

Trụ cột thứ hai, dựa trên cơ sở chuỗi giá trị từ khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, xả thải, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải và thậm chí sau khi chất thải được chôn lấp thì tái khai thác chất thải để làm các công trình cầu đường và những vật liệu khác.

Thứ ba, Luật BVMT, đi từ các công cụ: nhãn nguy hại, nhãn thân thiện với môi trường đến phát thải rắn, lỏng, khí, cho đến những công cụ KTTH, dịch vụ môi trường, công nghiệp môi trường, trái phiếu xanh, tín dụng xanh,...

Qua đó, ông cũng bày tỏ hy vọng nhóm tác giả của Báo cáo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT trong công cuộc vận động nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về vấn đề BVMT.

Đồng thời, trong năm tới Quỹ Hanns Seidel sẽ tiếp tục hỗ trợ cho trường Đại học KHXH&NV trong Báo cáo tiếp theo, cũng như hỗ trợ cho Viện trong các hội thảo, chuyên đề về BVMT. Qua đó, Viện có thể phối hợp với Trường để làm báo cáo trực tiếp với trọng tâm về KTTH. Hiện nay, vấn đề này cũng đã được Bộ TN&MT trình lên Bộ Chính trị để có thể có những nghị quyết về KTTH trong thời gian tới.

Toạ đàm được kết hợp tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Justus-Liebig Universität (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation.

Sự hợp tác này nằm trong khuôn khổ hữu nghị thân thiện giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức với mong muốn phát triển tri thức và sự hiểu biết về các vấn đề môi trường. Đây là báo cáo thứ hai được trường Đại học KHXH&NV hoàn thành, ấn phẩm có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu trong những lĩnh vực đến từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước.