Tiêu dùng & Dư luận

Góc khuất đằng sau cái bắt tay giữa Big C và doanh nghiệp Việt: Đòi chiết khấu khủng, không "đuổi" cũng đi

Trước ồn ào giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với hệ thống siêu thị Big C, nhiều đơn vị cũng lên tiếng tố cáo nhà bán lẻ này đang “chèn ép” hàng nội địa.

Mức chiết khấu cao quá sức chịu đựng

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, đại diện hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc kể: “Chuyện siêu thị Big C “bắt nạt” hàng Việt Nam sau khi về tay tập đoàn của Thái Lan đã diễn ra từ lâu. Ba năm trước, hàng loạt các doanh nghiệp của VASEP phải rút khỏi hệ thống này vì mức chiết khấu bị đẩy lên quá cao”.

Thời điểm tháng 3/2016, Big C là hệ thống siêu thị tăng chiết khấu cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%. “Trong hoàn cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Việc Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không còn doanh nghiệp nào đáp ứng được, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho hay.

Chịu không nổi mức chiết khấu “khủng” của Big C, một số doanh nghiệp thủy sản đã rút hàng khỏi hệ thống này. Thậm chí, sau khi Big C gửi thư mời doanh nghiệp quay lại cung cấp hàng nhưng không thể thống nhất mức chiết khấu nên không nhà cung cấp nào nhận lời.

Cách ứng xử của siêu thị Big C với hàng Việt Nam đang khiến dư luận bức xúc

Không chỉ với mặt hàng thủy sản, một số doanh nghiệp sản xuất túi xách cũng phải rút hàng khỏi siêu thị Big C vì mức chiết khấu tăng lên đến 32 – 40% giá bán. Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15% - 30%, thời gian 10 - 30 ngày và mỗi năm từ 1 đến 3 lần.

“Giá và mức chiết khấu mà nhà cung cấp đưa ra cho phía siêu thị đã rất hợp lý nhưng năm nào họ cũng đòi tăng mức chiết khấu để có lợi nhuận nhiều hơn. Những năm đầu, chúng tôi cố gắng sắp xếp, cắt giảm chi phí sản xuất để tăng chiết khấu cho siêu thị. Nhưng họ cứ liên tục đòi tăng và đến một giới hạn mà chúng tôi không thể chấp nhận được. Đòi tăng chiết khấu không được, họ quay sang đòi tăng giá bán sản phẩm nên chúng tôi phản ứng, vì điều này ảnh hưởng đến lợi ích khách hàng của chúng tôi”, đại diện một doanh nghiệp gốm sứ cho biết.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp trong nước?

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp phải chiết khấu cho siêu thị là một hiện tượng khách quan không thể không công nhận, đang tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất và phân phối.

“Chúng ta phát triển kinh tế thương mại theo nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, có cả cục Quản lý cạnh tranh để phân xử. Vậy tại sao những hiện tượng chèn ép độc quyền trong một nhóm các nhà bán lẻ ở thị trường Việt Nam mà chưa bao giờ bị xử lý?”, ông Phú đặt câu hỏi.

Tranh cãi giữa doanh nghiệp cung cấp hàng dệt may với siêu thị Big C vẫn chưa có hồi kết.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là một hình thức cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, rất khó để bắt bẻ hay kiện Big C vì thực tế không có luật nào quy định một con số chiết khấu hoa hồng cụ thể khi đưa hàng vào siêu thị. Đây chỉ là thỏa thuận riêng giữa 2 bên, không công khai và cơ quan quản lý cũng khó can thiệp.

“Big C yêu cầu mức chiết khấu cao, đẩy hàng Việt Nam ra khỏi siêu thị. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh với thủ đoạn tinh vi. Lý do chi phí đội lên buộc chiết khấu tăng chỉ là ngụy biện. Với mức chiết khấu cao thì lợi nhuận giảm. Về luật thì không vi phạm vì luật không quy định mức chiết khấu bao nhiêu mà đây chỉ là thỏa thuận 2 bên. Cho nên, lách luật bằng cách áp dụng biện pháp này đang tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, chèn ép doanh nghiệp cung ứng hàng hóa”, ông Long phân tích.

Trong một vài năm trở lại đây thị trường bán lẻ chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng lớn như Metro, Big C về tay các tập đoàn của Thái Lan, rồi sự xuất hiện ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Aeonmall, Lottemart…

Cuộc tranh cãi ồn ào giữa nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam với siêu thị Big C đang tiếp tục đặt ra vấn đề khó khăn của các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước trước sức ép của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nội địa phải liên kết chặt chẽ với nhau, đưa ra chiến lược cạnh tranh dựa trên uy tín hàng hóa cũng như giá thành hợp lý.

Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng không nên chỉ dựa vào hệ thống siêu thị mà cần mở rộng mạng lưới phân phối qua các kênh bán lẻ khác. Có như vậy, doanh nghiệp nội mới có thể trụ vững và chiếm lĩnh thị trường.